Hàng chục năm nay, gia đình ông Bùi Đức Bán là hộ nuôi heo đàn quy mô lớn nhất ở thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên (Hòa Vang). Thời kỳ cao điểm (2007-2009), nhà ông luôn có từ 150 - 200 con heo đủ lứa. Với đàn heo nái 11 con, ông còn cung cấp heo giống cho bà con, thế mà nay chỉ nuôi cầm chừng vài chục con/lứa, toàn heo thịt. Khu vực nuôi heo nái nay chất đầy gỗ củi. Hỏi cơ sự nào dẫn đến chăn nuôi sa sút, vẻ mặt buồn, ông Bán nói: “Đã gần 30 năm nuôi heo, chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Hồi đầu năm, thức ăn chỉ 7.000 đồng/kg, heo bán ra 48.000 - 50.000 đồng/kg, hiện tại thức ăn tăng thêm 1.000 đồng/kg, giá heo hạ chỉ còn 30 - 32 nghìn đồng/kg. Không chỉ giá thấp mà rất khó bán. Kêu năm lần bảy lượt mới có người đến mua”. Ông cho biết thêm, trước đây xuất chuồng mỗi tấn thu lãi khoảng 15 triệu đồng, còn nay lỗ 3 - 4 triệu đồng, may lắm hòa vốn. Có khi đàn heo gần xuất chuồng, dịch bệnh phát sinh, mất cả chì lẫn chài. Liên tục thất thu, các hộ nuôi heo vùng này đều để chuồng trống.
Bà Ngô Thị Chúc tại khu chuồng trại nuôi heo. |
Không riêng gì gia đình ông Bán nêu trên, hoạt động chăn nuôi ở Đà Nẵng đều lâm vào tình trạng tương tự. Nhiều hộ trước đây vốn là điển hình về nuôi heo quy mô lớn, nhưng sau mấy đợt bị dịch gây tổn thất, phá bỏ chuồng trại. Có hộ dịch tai xanh chưa “gõ cửa”, nhưng liên tiếp bị thua lỗ do giá thức ăn cao, đầu ra sản phẩm thấp, khó tiêu thụ đã quyết định để chuồng trống. Ngược xã Hòa Ninh, ghé thăm trang trại nuôi heo của gia đình ông Huỳnh Như Khánh, ở thôn 5, nơi cách đây vài ba năm liên tục có hàng trăm con đủ lứa trong mấy dãy chuồng, chúng tôi càng rõ hơn nỗi thất vọng của người nuôi heo. Vốn là điển hình nuôi heo quy mô công nghiệp hàng trăm con/lứa, ông đã bỏ trống chuồng từ nhiều tháng qua. Nuôi heo rừng cũng không khá hơn. Tại trang trại của ông Trần Đức Nhã ở thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, nơi cách đây 3 năm có hơn 200 con, vào thời điểm này chỉ dăm bảy con. Người trông trại phân bua: “Heo rừng không bị dịch tai xanh gây hại, song khốn nỗi nuôi thì dễ nhưng tiêu thụ vô cùng khó. Giải pháp tốt nhất là bán đổ bán tháo, để thu hồi vốn được chừng nào hay chừng đó”.
Nuôi heo ở Đà Nẵng đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Số liệu từ Sở NN&PTNT cho biết, hiện tại trên địa bàn thành phố có 75 hộ nuôi heo quy mô từ 10 con trở lên, với tổng đàn 15.083 con, trong đó gần 10 nghìn con của Công ty CP Thái Lan. Quả là con số quá khiêm tốn tại địa phương có tiềm năng về chăn nuôi, nhất là về thị trường đầu ra sản phẩm. Nếu tính cả số heo nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, số đầu heo hiện tại cũng chỉ khoảng 30 nghìn con, giảm rất nhiều so với tổng đàn heo gần 64 nghìn con vào năm 2010.
Khu vực nuôi heo của hộ ông Bùi Đức Bán ở thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên thành nơi nuôi gà. |
Trong khi đó, Công ty CP Thái Lan vẫn phát huy thế mạnh từ lĩnh vực này. Hiện tại, trang trại heo Trung Sơn ở thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú thuộc Công ty CP Thái Lan đang nuôi 1.200 heo nái và 6.300 heo thịt. Với số heo nái như vậy, họ thừa sức đáp ứng nhu cầu phát triển đàn heo thịt trên địa bàn. Ngoài ra, nhiều hộ ở xã Hòa Tiến đang nuôi theo kiểu gia công cho công ty này 5-6 nghìn con/lứa. Chỉ riêng trang trại của bà Ngô Thị Chúc ở thôn Nam Sơn (xã Hòa Tiến), thời điểm này có trong chuồng 1.560 con. Người nuôi gia công chỉ lo chăm sóc heo, mọi thứ bao gồm con giống, thức ăn, thú y và đầu ra sản phẩm đều do công ty bao tiêu trọn gói.
Đã đến lúc cần có các giải pháp phục hồi và phát triển đàn heo ở Hòa Vang. Ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp sớm có giải pháp kích cầu để việc nuôi heo phát triển, không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà quan trọng hơn thị trường dồi dào thực phẩm…
Bài và ảnh: HOÀI NAM