.
Quản lý vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm

Bài toán khó! - Bài 1: Những điều trông thấy

.

2 giờ đêm, đường phố vắng tanh, chúng tôi dong xe lao vào màn đêm đến Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) Đà Sơn. Thực tế về hoạt động giết mổ và vận chuyển thịt nơi đây cho thấy những quy định của thành phố về vận chuyển GSGC sau giết mổ vẫn chưa được thực thi.  

Heo giết mổ xong được chất ngay lên những xe máy để chở về các chợ.
Heo giết mổ xong được chất ngay lên những xe máy để chở về các chợ.

Con đường chằng chịt ổ gà từ đoạn đường Hoàng Văn Thái rẽ vào lò mổ xuất hiện hàng chục chiếc xe máy, ô-tô chở GSGC chạy qua trong đêm hướng lên Đà Sơn. 2 giờ 30 phút, bóng tối bao phủ mọi vật, nhưng Trung tâm giết mổ GSGC Đà Sơn đã rực sáng. Đây được coi như thời gian hoạt động nhộn nhịp nhất của trung tâm.

Hàng trăm người tất bật với công việc ở lò mổ. Trong không gian nhà lồng giết mổ ồn ào ấy, mùi ôi nồng từ phế phẩm heo, bò thải ra, nếu không quen với công việc, chắc khó chịu nổi. Những mảng thịt heo được lóc ra treo trên giá và sắp theo từng dãy riêng biệt. Hàng chục thanh niên lực lưỡng tay thoăn thoắt mũi dao sắc nhọn tách từng thớ thịt. Chỉ một lát sau, những mảng thịt heo to tướng đã nằm gọn trên phản, máu vẫn còn đỏ au. Dưới sàn nhà, những người làm lòng heo sau khi sơ chế đã nhanh chóng cho vào những bao nilon. Rẽ sang khu vực giết mổ gia cầm cũng nhộn nhịp không kém. Những nồi nước sôi bốc hơi phía sau, phía trước là các bà, các chị ngồi túm tụm nhặt lông gà, mổ thịt. Chỉ một lúc sau, cái bàn i-nox đã trải đầy ắp gà thịt vàng rộm.

Phía bên ngoài lò mổ, hàng chục xe máy thồ tập kết chờ lấy thịt mang đi. Heo sau khi được phân mảnh, người ta đưa lên xe máy chất chồng lên nhau. Một xe máy chở ít nhất 3 con heo và có khi chất cả 7 – 8 con đã phân mảnh. Đáng chú ý, những người vận chuyển GSGC không chỉ có đàn ông, mà hàng chục phụ nữ cũng chạy xe thồ heo vào đêm khuya.

Theo thống kê, Trung tâm giết mổ GSGC Đà Sơn có khoảng 30 hộ kinh doanh giết mổ GSGC. Mỗi hộ mổ từ 30 – 40 con heo/đêm, chủ yếu cung cấp cho thị trường thành phố. Mỗi đêm trung tâm này giết mổ khoảng 900 – 1.000 con heo, 800 – 1.000 con gà/vịt, 30 – 35 con bò. Nguồn GSGC chủ yếu được lấy từ Bình Định, chiếm tới 90%. Với diện tích khu vực nhà mổ còn hạn chế, trong khi mỗi hộ có khoảng 12 người thực hiện các công đoạn gồm giết mổ heo, làm lòng và vận chuyển thịt heo về các chợ. Đã vậy, việc mua bán trao đổi thịt ở đây trong điều kiện thủ công khiến nhà giết mổ trở nên quá tải, lộn xộn.

Chúng tôi dừng lại bắt chuyện với một chị phụ nữ đang chất heo lên xe:

- Từ lâu thành phố có quy định cấm chở heo mà không có thùng chuyên dụng, chị có biết không?

- Biết chứ, nhưng lâu ni ai cũng chở rứa quen rồi, hắn tiện.

- Sắp tới, nếu vi phạm là bị xử phạt đó chị.

- Ừ, hồi mô phạt rồi hay, chứ người chở thuê như tụi tui ngày mô lấy tiền ngày nớ, đủ tiền xăng, ăn uống hằng ngày, biết lấy chi mà đầu tư thùng với sọt…

Hai “tài xế” và vài tạ heo kéo rê trên đường phố.
Hai “tài xế” và vài tạ heo kéo rê trên đường phố.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại trung tâm giết mổ lớn nhất Đà Nẵng này hằng đêm có gần 60 người chuyên vận chuyển sản phẩm động vật (chủ yếu thịt heo) bằng xe máy. Hầu hết là chở thuê cho các hộ giết mổ và kinh doanh. Trong điều kiện bảo quản và vận chuyển sản phẩm như vậy, rõ ràng chất lượng thịt khó bảo đảm vệ sinh.

Rời Đà Sơn khi trời còn tối. Chúng tôi nhanh chóng bám theo những chiếc xe chở heo “trần” lao vù vù trong đêm để vào thành phố lúc 3 giờ 30 phút sáng. Heo đã giết mổ vắt ngang trên xe máy, có khi quét đất kêu roẹt roẹt. Người chở heo phải đưa thịt heo về nhiều chợ khác nhau trên địa bàn thành phố nên họ chạy hết ga để kịp buổi chợ. Mấy tạ heo nặng trĩu, vắt vẻo trên chiếc xe máy mà người lái vẫn như không. Có xe vừa chở 4 - 5 con heo đã chia mảnh vừa chở luôn một phụ nữ ngồi sau trên đống thịt heo lót một lớp nilon. Heo được vận chuyển trên những quãng đường dài nên khi về đến các chợ, nhiều miếng thịt heo đã trở nên tai tái.

Tất cả những gì diễn ra ở khâu vận chuyển từ lò mổ về đến các chợ cho thấy những quy định tại Quyết định 15 của UBND thành phố có hiệu lực vào ngày 19-4-2012 đang bị “bỏ quên”.

Quyết định 15/2012/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành ngày 9-4-2012 (lược trích):

Nghiêm cấm vận chuyển gia súc sống, gia súc sau khi giết mổ vắt ngang, dọc trên xe máy, xe đạp và các phương tiện vận chuyển thô sơ khác… Các sản phẩm gia súc chưa qua chế biến khi vận chuyển phải được bao gói và đựng trong các vật dụng có kích thước phù hợp với quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, bảo đảm vệ sinh thú y, bảo đảm mỹ quan, không để ô nhiễm môi trường nơi gia súc, gia cầm được vận chuyển qua… Nghiêm cấm  vận chuyển sản phẩm động vật trên các xe khách, xe không có thùng chứa; vắt sản phẩm động vật trên xe máy, xe thô sơ để vận chuyển, dẫm đạp hay ngồi trên sản phẩm động vật trong quá trình vận chuyển. Cấm buôn bán sản phẩm động vật tại khu vực giết mổ...

(Còn nữa)

Bài và ảnh: DUYÊN ANH - HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.