.
Quản lý vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm: Bài toán khó!

Bài 2: Đầu tư phương tiện vận chuyển và điểm phân phối

.

Từ chỗ có trên 200 hộ giết mổ nhỏ lẻ phân bố khắp các khu dân cư, đến nay Đà Nẵng chỉ còn 8 cơ sở giết mổ tập trung. Lớn và quy mô hơn cả là Trung tâm Giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) Đà Sơn, còn lại của các HTX Hòa Thọ Tây, Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Phước và một số hộ tư nhân như Hoàng Thị Minh Huy, Quyền Chanh, Hà Thị Thanh Hoa…

Số GSGC giết mổ tại Trung tâm giết mổ GSGC Đà Sơn (thuộc Công ty CP Procimex Việt Nam) chiếm tới 80-85%. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, phần lớn các cơ sở giết mổ GSGC trên địa bàn chủ yếu theo kiểu thủ công. Một số cơ sở thực hiện bán cơ giới, chưa có cơ sở nào được đầu tư hệ thống giết mổ tiên tiến hiện đại. Trong khi có khoảng 20 – 25% sản phẩm GSGC cung ứng cho 3 siêu thị, một số cửa hàng và đều có kho mát, tủ mát giữ cho thịt tươi thì ngược lại, có tới 75-80% số thịt tiêu thụ tại các chợ lớn nhỏ, tự phát lại không bảo đảm chất lượng thực phẩm. Từ các lò mổ, thịt được đưa về các chợ chủ yếu là xe máy không có thùng chứa, không được che đậy, dễ bị biến chất là điều có thể.

Nội tạng gia súc được sơ chế rồi quẳng lên ô-tô.
Nội tạng gia súc được sơ chế rồi quẳng lên ô-tô.

Tại Trung tâm giết mổ GSGC Đà Sơn mỗi đêm có 300 – 400 người đến mua thịt và phụ phẩm, gần 100 người khác vận chuyển thuê bằng xe máy, biến nơi đây vừa là cơ sở giết mổ vừa là chợ kinh doanh, phân phối nguồn hàng thịt. Điều này dẫn đến tình trạng lộn xộn, khó khăn trong bảo đảm vệ sinh. Hiện tại có khoảng 25 ô-tô của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh vận chuyển thịt đi các nơi, số còn lại là xe máy khoảng 130 chiếc.

Trước thực trạng đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 15/2012/QĐ-UBND ngày 9-4-2012 về quy định quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan phải đầu tư nâng cấp các cơ sở giết mổ, bảo đảm vệ sinh. Việc vận chuyển sản phẩm phải thực hiện bằng xe chuyên dùng, nếu bằng xe máy, xe thô sơ phải có thùng chứa theo quy định. Bên cạnh đó, nghiêm cấm việc kinh doanh buôn bán tại khu vực giết mổ.

Giết mổ, vận chuyển và kinh doanh bảo đảm vệ sinh là kỳ vọng của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định cũng đặt ra nhiều dấu chấm hỏi cho cơ quan chức năng lẫn người dân. Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đà Nẵng nói: “Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi có trách nhiệm xây dựng phương án nhằm buộc người dân tuân thủ các quy định của thành phố đưa ra. Chúng tôi cũng đã có dự thảo đề án vận chuyển sản phẩm động vật bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và sẽ trình lãnh đạo thành phố trong thời gian tới”. Trên thực tế, việc kiểm soát hoạt động vận chuyển GSGC hiện nay còn nhiều khó khăn. Các xe vận chuyển chủ yếu hoạt động vào ban đêm nên ngành chức năng không thể kiểm soát được. “Nếu có phát hiện xe vận chuyển thịt heo “trần” thì cảnh sát giao thông chỉ phạt chở quá khổ quá tải, còn vấn đề bảo đảm ATVSTP là chức năng bên Chi cục Thú y. Tuy nhiên, Chi cục Thú y không thể ra đường đứng để giám sát từng xe vận chuyển cho nên chúng tôi phải phối hợp với CSGT. Nhưng việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giám sát và xử lý vẫn còn nhiều trở ngại”, ông Thái cho biết thêm. Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp tạm thời là tuyên truyền, vận động nhưng về lâu dài, thành phố cần phải có chính sách hỗ trợ cho người dân để họ mua sắm phương tiện vận chuyển chuyên dùng.

Theo đề án của Chi cục Thú y, dự toán kinh phí thực hiện trên 2,4 tỷ đồng cho hệ thống vận chuyển. Theo đó, đầu tư trang bị mới ô-tô cho doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh có công suất giết mổ trên 20 con/đêm và hỗ trợ xăng dầu trong năm đầu tiên đối với ô-tô chuyên chở heo từ cơ sở giết mổ đến nơi tiêu thụ. Đối với hộ giết mổ nhỏ lẻ, vận chuyển bằng xe máy, xe thô sơ được hỗ trợ 100% giá trị thùng vận chuyển bằng kim loại không rỉ. Ngoài ra, còn hỗ trợ kinh phí chuyển đổi ngành nghề cho những người vận chuyển bằng xe máy, xe thô sơ. Sau khi không còn mua bán tại nơi giết mổ, đến đầu năm 2014, Trung tâm giết mổ GSGC Đà Sơn sẽ được trang bị các phương tiện giết mổ hiện đại hơn.

Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương, cũng cho hay: Qua xây dựng phương án tổ chức chợ đầu mối kinh doanh sản phẩm GSGC, Sở đã thống nhất chọn địa điểm chợ Đầu mối Hòa Cường. Giao Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ phối hợp với  Chi cục Thú y khảo sát nhu cầu, cân đối quỹ đất hiện có của chợ đầu mối giai đoạn 2 để làm nơi tổ chức phân phối sản phẩm GSGC, sẽ trình UBND thành phố phê duyệt. Chợ đầu mối kinh doanh sản phẩm GSGC có kho mát, phòng bảo quản lạnh, hệ thống dàn treo thịt, có phòng làm việc của cán bộ thú y và nơi xử lý thịt khi cần tiêu hủy. Trong quá trình vận chuyển từ nơi giết mổ về chợ đầu mối và đi các chợ lẻ phải có xe chuyên dụng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về đường đi của sản phẩm từ điểm giết mổ chạy về chợ đầu mối rồi sau đó lại tỏa ngược về các chợ như vậy sẽ khiến chi phí giá thành bị đẩy lên cao.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH - HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.