.

Sản xuất nhỏ lao đao

.

Với những cơ sở sản xuất đơn lẻ, hộ gia đình ít vốn, thường có mong muốn gầy dựng cơ nghiệp từ quy mô nhỏ rồi đi lên. Nhưng nay, trước áp lực tăng giá nguyên, nhiên liệu, chi phí hoạt động… nhiều hộ chưa kịp phát triển đã phải tính đến chuyện đổi nghề mới.  
 

Sản xuất bánh mì tại gia đình bị ảnh hưởng không nhỏ từ giá nhiên liệu tăng.
Sản xuất bánh mì tại gia đình bị ảnh hưởng không nhỏ từ giá nhiên liệu tăng.

Ổn định với nghề làm bánh mì đã hơn 10 năm nay, nhưng anh Nguyễn Phòng (trú khối Đa Phước, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đang “đau đầu” vì càng làm càng lỗ. Lò bánh mì của anh Phòng trước đây có 5 nhân công, mỗi ngày sản xuất từ 2.000 - 3.000 ổ bánh mì với doanh thu khoảng trên 4 triệu đồng. Tính sơ sơ, cứ 1kg bột mì giá 16.000 đồng làm ra được chừng 20 ổ với giá bán 2.000 đồng/ổ. Trừ các khoản chi phí nguyên liệu, chất đốt, nhân công, xăng xe vận chuyển, lãi thu về 35 - 40%. Trong khi đó, đầu tư ban đầu không nhiều, chỉ 20 - 30 triệu đồng cho một lò bánh mì thủ công. Tuy nhiên gần đây, chi phí đầu vào tăng liên tục, dù đã cắt giảm bớt người làm và tự tay đi giao bánh cho bạn hàng, vẫn không lời bao nhiêu. Anh Phòng than thở: “Các lò bánh mì bữa nay mở ra quá trời, cạnh tranh thì lớn mà các khoản chi phí chiếm gần hết vốn. Bánh mì thường chỉ ăn sáng, đâu thể tăng giá như những sản phẩm khác. Chi phí cho than, củi rất lớn, nếu bán được ít sẽ coi như âm tiền vốn ngày hôm đó. Với lại bỏ sức nhiều mà thu lại không bằng đi làm công thì chỉ còn cách là nghỉ”.

Nhiều người dân ở Sơn Trà làm nghề sản xuất đá cây bỏ mối cho hàng quán và các tàu thuyền đi biển cũng đang trong cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Chị Lê Thị Ánh (tổ 15, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, hơn nửa tháng nay, do giá dầu tăng cao, đánh bắt không được nhiều nên tàu thuyền không đi nhiều như trước. Xưởng đá cây theo đó cũng khó khăn khi thu hẹp sản xuất, lại vừa thêm gánh nặng duy trì công suất cầm chừng. Chị Ánh tính, giá điện tăng thêm 5% từ hồi tháng 7 đã đẩy hộ sản xuất nhỏ lẻ như chị phải chi thêm trên 1 triệu đồng/tháng tiền điện. Đã vậy, nghề làm nước đá phải bỏ hàng tới tận nơi cho khách nên chi phí xăng xe là khoản không nhỏ. Thông thường, giá đá 16 - 17 ngàn đồng/cây, nay giá xăng tăng thêm 3.000 đồng/lít, so với tháng 5 tới giờ thì giá đá vẫn đứng im, không thể tăng hơn. Chị Ánh nói chắc nịch: “Nếu lỗ quá thì chuyển sang đi buôn thứ khác, chứ không làm nước đá nữa”.

Theo tìm hiểu, ở các địa bàn dân cư, nhiều hộ chủ yếu làm nghề lao động chân tay, nhiều gia đình làm hàng thủ công tại nhà như sản xuất nước mắm, mắm cá, mắm tôm chua, làm hương, làm mộc… đều vay tiền ngân hàng. Thường sản xuất tới đâu tiêu thụ tới đó. Khi lời lãi không có, họ đành bán cả máy móc để trả nợ, rồi chuyển nghề khác. Như trường hợp anh P.M.Q (trú đường Nguyễn Hoàng, quận Hải Châu) cầm sổ đỏ để vay 50 triệu đồng làm xưởng gỗ, nay do làm ăn thua lỗ nên vẫn chưa trả được tiền gốc ngân hàng như cam kết. Anh Q. nói: “Tôi cũng đang tính rao bán hoặc sang lại xưởng gỗ và bán luôn mấy cái máy tiện, đồ nghề đục, đẽo rồi coi kiếm nghề khác làm. Chứ cứ kéo rê thế này lại mang nợ lớn”.

Trong thời điểm này, hầu hết sản xuất và kinh doanh lớn nhỏ đều gặp khó. Theo cơ quan thuế các địa phương, đến nay đã gần bước sang quý 4 mà số thu vẫn còn thấp so với mọi năm, nhiều cơ sở, doanh nghiệp tư nhân không thực hiện tốt nghĩa vụ về thuế cho Nhà nước. Rất nhiều người dân vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế, nhưng chưa có điều kiện tốt để tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi, giảm bớt thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh.

Bài và ảnh: HỒNG ANH

;
.
.
.
.
.