.

Thị trường đồ chơi Trung thu: 80% hàng Trung Quốc

.

(ĐNĐT) - Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng cho biết, mặt hàng đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 70-80% sản phẩm đồ chơi được bày bán dịp Trung thu. Số hàng này phần lớn không có nhãn mác, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và được bán với giá rẻ.

Có khoảng 70-80
Mặt hàng đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 70-80% sản phẩm đồ chơi được bày bán dịp Trung thu.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các khu vực chuyên bán đồ chơi Trung thu ở Đà Nẵng, như: đường Hùng Vương, Trưng Nữ Vương, Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Thoại…, đa phần các sản phẩm bày bán tại các cửa hàng đều có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong khi đó, những mặt hàng đồ chơi truyền thống sản xuất trong nước, như: đèn ông sao, trống bỏi, đầu lân…mặc dù vẫn được bày bán, song rất ít và hoàn toàn lép vế trước hàng "Made in China".

Lòng
Sản phẩm lắp ráp và tô màu lồng đèn sáng tạo do Việt Nam sản xuất vẫn ít được ưa chuộng và thường được trưng bày ở vị trí thấp hơn, khó kiếm hơn so với lồng đèn Trung Quốc.

Loay hoay chừng hơn 20 phút để chọn lựa một món quà cho cậu con trai 6 tuổi của mình trong hàng trăm món đồ chơi được trưng bày kín tại một cửa hàng trên đường Trưng Nữ Vương, chị Minh Lộc (trú phường Bình Thuận, quận Hải Châu) mới quyết định mua một chiếc trống bỏi do Việt Nam sản xuất với giá 65 ngàn đồng. Chị Lộc cho hay, nếu so sánh với giá cũng của một chiếc trống bỏi làm từ Trung Quốc và nhập về bán, thì chiếc này đắt hơn 15 ngàn đồng mà hình như con trai chưa bằng lòng cho lắm.

Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành phố Đà Nẵng vừa tiến hành lấy 4 mẫu đồ chơi Trung thu có xuất xứ từ Trung Quốc (lồng đèn con thỏ, gấu bông, đồ chơi điện…) để đưa đi kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.…

“Đa số lũ trẻ thường thích loại đồ chơi của Trung Quốc vì nó có đèn, màu sắc rực rỡ, có nhạc nghe vui tai… Nhưng vừa rồi có nghe thông tin về chất độc hại gì đó ở hàng đồ chơi của Trung Quốc nên tôi quyết định không mua để đảm bảo an toàn cho con”, chị Lộc nói.

Ngược với suy nghĩ của chị Lộc, chị D. (trú quận Hải Châu) vẫn quyết định chọn mua chiếc lồng đèn của Trung Quốc sản xuất làm quà cho con. Khi hỏi vì sao vẫn chọn mua đồ chơi do Trung Quốc sản xuất dù sợ độc hại, nguy hiểm, chị cho biết, đồ Trung Quốc rẻ hơn và nhìn đẹp hơn.

“Loại này khi bật lên có nhạc nghe vui tai nên bọn trẻ con rất thích. Mà con thích thì mình chìu. Nhà mà có trẻ nhỏ dưới 3 tuổi chơi thì mới sợ thôi”, chị nói.

mua
Con trai của chị Minh Lộc với chiếc trống bỏi do Việt Nam sản xuất.

Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Đà Nẵng, cho biết theo số liệu thống kê hằng năm, mặt hàng đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 70-80% sản phẩm đồ chơi được bày bán dịp Trung thu. Số hàng này phần lớn không có nhãn mác, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và được bán với giá rẻ. “Tuy nhiên, chúng có màu sắc khá bắt mắt, giá lại rẻ nên nhiều người vẫn chuộng mua”, ông Hậu nói.

Về trước thông tin gần đây, nhiều loại lồng đèn Trung thu xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất cadimi (Cd) cao gấp nhiều lần cho phép, ông Hậu cho hay hiện Chi cục QLTT đang tăng cường kiểm tra các loại đồ chơi này.

“Thường chất gây hại có trong màu sơn của các sản phẩm đồ chơi. Nhưng hiện nay vẫn chưa phát hiện sản phẩm nào chứa độc tố trong các loại lồng đèn Trung Quốc đang bày bán tại Đà Nẵng. Nếu kiểm tra mà nghi ngờ có chứa chất cấm thì sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra xử lý”, ông Hậu cho biết thêm.

Lực lượng chức năng Đà Nẵng thu giữ sản phẩm đồ chơi Trung thu xuất xứ từ Trung Quốc nhưng chưa được dán tem kiểm định chất lượng.
Lực lượng chức năng Đà Nẵng thu giữ sản phẩm đồ chơi Trung thu xuất xứ từ Trung Quốc nhưng chưa được dán tem kiểm định chất lượng.

Cũng theo ông Hậu, hiện đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục QLTT, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ và Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành phố Đà Nẵng đang tiến hành kiểm tra các sản phẩm đồ chơi Trung thu về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, tem hợp quy… Trước mắt, sẽ kiểm tra đối với các cửa hàng kinh doanh đồ chơi Trung thu trên đường Hùng Vương (Đà Nẵng), sau đó sẽ tiếp tục triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố.

“Tốt nhất là các phụ huynh nên hạn chế mua các loại đồ chơi của Trung Quốc, không nên mua các đồ chơi không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng mà nên mua đồ chơi trong nước sản xuất để đảm bảo an toàn với trẻ”, ông Hậu khuyến cáo.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.