.

Vi phạm kinh doanh còn nhiều

.

Từ những vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua cho thấy, vi phạm trong hoạt động sản xuất và kinh doanh vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, gây nhiều lo ngại cho người tiêu dùng.

Đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT.
Đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT.

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT thành phố đã xử lý hơn 2.000 vụ vi phạm trong các lĩnh vực với tổng số tiền thu trên 4,8 tỷ đồng. Chỉ riêng tháng 8 đã xử lý gần 300 vụ vi phạm về hàng giả, hàng lậu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và gian lận thương mại. Nhiều vụ việc được ngăn chặn kịp thời, góp phần ổn định thị trường, điển hình như vụ kiểm tra ô-tô BKS 75-3552  do ông Phan Châu Có (trú Thủy Biểu, Thừa Thiên-Huế) vận chuyển 1.000kg áo bành và 282 thùng sữa Ensure trị giá hơn 200 triệu đồng. Đội QLTT số 8 xử phạt và tịch thu Giấy chứng nhận kiểm định đối với Cửa hàng xăng dầu số 2 (thuộc DNTN TMDVTH Hòa Hiệp) với hành vi sử dụng phương tiện đo bị sai, hỏng về đo lường xăng dầu. Vụ tịch thu trên 500 lít xăng dầu nhập lậu, tiêu hủy 70 lít xăng A95 không bảo đảm chất lượng của bà Thái Thị Hà, trú quận Sơn Trà. Thu giữ 13.800 gói thuốc lá Jet trên ô-tô lưu thông qua địa bàn Đà Nẵng. Tịch thu 416 mũ bảo hiểm và 394kg linh kiện mũ bảo hiểm không có địa chỉ nguồn gốc…

Có thể nói, công tác kiểm tra kiểm soát thị trường đã đem lại kết quả nhất định, số thu nộp ngân sách lớn, tịch thu nhiều hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả… Tuy nhiên như thừa nhận của ngành, lực lượng QLTT mỏng và khi phải “ôm” nhiều lĩnh vực, dẫn đến hạn chế trong phát hiện các hoạt động sản xuất hàng giả, hàng nhái như phân bón, thuốc thú y, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Thực tế, số vụ phát hiện và xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như mũ bảo hiểm, mực in, máy tính bỏ túi, kính đeo mắt, giày dép, mỹ phẩm, đĩa nhạc… còn khá ít.

Ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục QLTT thành phố, cho biết trong quá trình kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng cho thấy, hàng hóa làm ra tồn kho còn nhiều, DN khó khăn nên trong quá trình kiểm tra có vi phạm nhưng chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở là chính. Công tác phối hợp dừng xe để kiểm tra có khi chưa đạt hiệu quả do các chủ hàng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xé lẻ hàng hóa, thay đổi biển số xe, canh xe khi qua trạm không có công an trực. Đôi lúc thông tin chưa chính xác về hàng hóa vi phạm trên xe, hoặc hàng hóa bị tẩu tán, trung chuyển khi đi qua trạm hoặc đi vào các đường rẽ nhưng không phát hiện kịp thời.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong thời gian qua gặp không ít khó khăn. Một cán bộ Đội QLTT số 8 nói rằng, sở dĩ số thu xử phạt hàng nhập lậu hạn chế do phần lớn hàng tịch thu không có chủ nên không thực hiện được việc xử phạt. Mặt khác, các kiểm soát viên QLTT chưa thể bao quát hết thị trường, tập trung một số lĩnh vực như xử lý vi phạm nhãn hàng hóa trong 7 tháng đầu năm lên tới 764 vụ (43,3%), với tổng số thu xử phạt 2 tỷ đồng (chiếm 56,3%), hoặc xử lý vi phạm niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết với 569 vụ/8 tháng…

Có thể thấy, thị trường gần đây nổi lên nhiều vụ việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây hoang mang trong dư luận như chất lượng xăng dầu, sữa, gas, trái cây, thực phẩm… không bảo đảm an toàn về chất lượng và sẽ còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi ngành QLTT phối hợp tích cực hơn nữa với các ngành chức năng để ổn định thị trường.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.