.

Cấp điện ổn định trong mùa mưa bão

.

Để bảo đảm cấp điện trong mùa mưa bão năm nay một cách tốt nhất, ngay từ đầu năm, Điện lực Đà Nẵng đã xây dựng phương án cấp điện với sự chuẩn bị chu đáo và hiệu quả hơn. Các loại vật tư, thiết bị thay thế đã được dự phòng và bố trí trên các địa bàn, ưu tiên những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bão lũ.

Công nhân Điện lực Hải Châu sửa chữa đường dây cao áp 35kV, bảo đảm cấp điện an toàn trong mùa mưa.
Công nhân Điện lực Hải Châu sửa chữa đường dây cao áp 35kV, bảo đảm cấp điện an toàn trong mùa mưa.

Mục tiêu phấn đấu của Điện lực Đà Nẵng trong mùa mưa bão năm nay là cung cấp điện an toàn, liên tục, không để xảy ra thiệt hại về người, tài sản của ngành Điện và của nhân dân. Điện lực Đà Nẵng đã hoàn tất việc duy tu, bảo dưỡng, thay thế các trạm biến áp (TBA), các trụ điện và nhiều tuyến dây cũ có khả năng xảy ra sự cố trong mùa mưa bão; đồng thời đã đưa vào sử dụng nhiều tuyến dây mới, nhiều TBA mới ở những khu dân cư mới và các khu đông dân cư thường xuyên quá tải. Phương án sửa chữa nhằm cấp điện sớm nhất tại những nơi có sự cố đã được hoàn thiện và diễn tập nhiều lần, nhất là phương án phối hợp giữa các Điện lực trực thuộc với các phòng chuyên môn Điện lực Đà Nẵng, với quyết tâm sẽ cấp điện sớm nhất cho vùng bị sự cố.

Theo phương án trên, khi có sự cố, Điện lực Đà Nẵng sẽ ưu tiên mọi nguồn lực để sửa chữa ngay các đường dây từ điện áp cao đến các điện áp thấp và sửa chữa các TBA trung tâm và TBA khu vực trước… Chỉ đóng điện khi bảo đảm an toàn ở mọi thiết bị và đường dây. Ngoài ra, Điện lực Đà Nẵng còn phân công và giao trách nhiệm cho 4 Điện lực trực thuộc có các phương án cụ thể khắc phục sự cố với phương châm “4 tại chỗ”, gồm chỉ huy, nhân lực, phương tiện vật tư và hậu cần tại chỗ. Có phương án ưu tiên đóng điện do UBND thành phố đã phê duyệt như: các cơ quan lãnh đạo, bệnh viện, trường học, các phương tiện thông tin đại chúng… ngay sau khi xử lý xong sự cố về điện. Riêng Điện lực Hải Châu, địa bàn tập trung nhiều thuê bao ưu tiên như các bệnh viện lớn, các cơ quan quan trọng, các cơ quan thông tin đại chúng…, phải có phương án xử lý hiệu quả và kịp thời.

Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền đề phòng tai nạn điện xảy ra trong mùa mưa bão, nhất là ở những nơi có sự cố đứt dây dẫn, hỏng trạm biến áp, nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Các phương án này cũng như những biện pháp đề phòng tai nạn trong nhân dân đã được tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng (mỗi tuần 2 lần trên Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng và phát trên sóng truyền hình của Đài DRT và VTV Đà Nẵng). Các quy định bắt buộc mà người dân phải chấp hành như khi có sự cố đứt dây điện, hoặc khi gia đình có nguy cơ bị ngập nước thì các hộ dân phải kịp thời cắt điện và thông báo ngay cho các Điện lực phụ trách theo các số điện thoại đã được thông báo và cắt cầu dao điện trong nhà để đề phòng điện giật. Ngoài ra, để đề phòng từ xa, trong quá trình sửa chữa nhà, xây dựng các công trình gần hành lang bảo vệ điện, các gia đình phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định an toàn về điện, nhất là khi có sự cố trong mùa mưa, tuyệt đối không được sửa chữa, dựng lại các cột ăng-ten hoặc các thiết bị khác trong phạm vi hành lang bảo vệ điện.

Tuy nhiên, những sự cố do mưa bão gây ra đối với ngành điện có khi không lường trước được. Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra, ngoài nỗ lực của ngành Điện thì việc nỗ lực của các ngành, của mọi người thông qua sự phối hợp khắc phục sự cố và việc tuân thủ các quy định an toàn điện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.