.

Chợ thưa vắng người

.

Sự thắt chặt chi tiêu của người dân đã khiến sức mua tại nhiều chợ giảm sút, nhất là đối với các ngành hàng không thuộc nhóm thiết yếu.

Các quầy giày dép ở chợ Hòa Khánh không còn tấp nập người mua như trước đây.
Các quầy giày dép ở chợ Hòa Khánh không còn tấp nập người mua như trước đây.

Ngồi chơi ...

Vốn “nương” vào nguồn khách chủ yếu là công nhân KCN Hòa Khánh, nay chợ Hòa Khánh, chợ lớn nhất của quận Liên Chiểu, trở nên vắng vẻ hơn khi công nhân không còn mua nhiều như trước. Ông Đặng Quang Hưng, Phó Trưởng Ban quản lý chợ ước tính số người đến chợ đã giảm khoảng 30% so với trước đây. “Các công ty đã cắt giảm công nhân vì kinh tế khó khăn nên số người đi chợ cũng ít lại. Lúc trước chợ đông đúc, không có chỗ chen chân, bây giờ khác hẳn, hầu như người ta chỉ quan tâm đến các mặt hàng thiết yếu, một số quầy hàng ngồi cả ngày cũng chỉ bán được 1 - 2 sản phẩm”, ông Hưng chia sẻ. Đúng như lời ông Hưng, chúng tôi có mặt tại chợ vào giờ cao điểm buổi sáng từ 9-10 giờ, nhưng nhiều quầy hàng gia vị, đồ khô vẫn “ngồi chơi xơi nước”. Khu áo quần, giày dép tầng 2 lại càng vắng hơn, có rất ít khách hàng lui tới mua sắm.

Đây cũng là tình hình chung của nhiều chợ trên địa bàn thành phố khi người dân thắt chặt hầu bao. Kể cả những chợ nằm ở trung tâm thành phố như chợ Cồn, chợ Hàn cũng không còn giữ được “thời vàng son” như trước đây. Tại chợ Hàn, một chị bán đôi giày giá 200.000 đồng cho một khách hàng trong sự tiếc nuối. “Giá đó rất ít lời, nhưng đành bán để giữ bạn hàng, với lại bữa nay bán giá đắt chút là khách hàng bỏ đi ngay”, chị này nói. Chị T.D bán hàng áo quần ở chợ Nam Ô (quận Liên Chiểu) nói rằng, thời buổi này, khách hàng đi đọ giá rất kỹ, nên mỗi sản phẩm bán ra thường chỉ lời từ 10 - 15 nghìn đồng, mà không dễ gì bán được. Ngồi chỗ bán tại chợ không ăn thua, chị chịu khó mang quần áo đi bán dạo cho người quen để khỏi “chôn” vốn quá lâu.

Mua giảm, thu cũng giảm

Sức mua giảm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch thu của một số chợ. Ông Nguyễn Xu, nhân viên Chi cục Thuế quận Liên Chiểu cho hay: “Trước đây bà con mua bán được, thu thuế chợ rất đạt, nhưng năm nay lại có nhiều hộ nộp chậm, tập trung ở các ngành hàng tạp hóa, gia vị, mỹ phẩm, áo quần, giày dép”. Theo ông, thời buổi khó khăn khiến nhiều người lao động chọn cách mua “lẹt xẹt” ở lề đường mà họ cho là có giá rẻ hơn và thuận tiện hơn, thay vì đi vào chợ, khiến chợ càng vắng. Đối với những hộ chậm nộp vì thực sự khó khăn, đội thuế sẽ có hướng giải quyết và động viên họ đóng thuế đúng thời hạn.

Tại chợ Hòa Khánh, ông Hưng cho biết, năm nay kế hoạch thu phí và lệ phí được giao là 4,9 tỷ đồng, nhưng xem ra sẽ không dễ thu với tình hình mua bán như hiện nay. Thậm chí, BQL chợ phải giữ nguyên giá hiệp thương với các bãi giữ xe từ đầu năm đến nay, dù trước đây mỗi quý BQL chợ đều tổ chức hiệp thương và tăng giá 1 lần theo tình hình kinh doanh tại chợ. “Lượng xe tới chợ ít, các chủ bãi kêu ca không nộp đủ khoán. Ngay các bãi xe cũng tinh giản số lao động vì ế ẩm”, ông Hưng nói thêm. Để tiểu thương có thể duy trì kinh doanh trong lúc này, ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng BQL chợ Cồn cho biết, BQL vận động tiểu thương cùng chỉnh trang nhiều hạng mục tại chợ như sửa sang các quầy hàng, kiốt, lát nền, làm mái che... “Giúp tiểu thương bảo đảm thẩm mỹ ở quầy hàng, thuận tiện cho việc bảo quản hàng hóa... là cách động viên bà con yên tâm mua bán trong tình hình khó khăn”, ông Sáu giải thích.

Bài và ảnh: PHONG KHÁNH

;
.
.
.
.
.