.

Cùng doanh nghiệp đào tạo nghề

.

Nhiều trường dạy nghề ở Đà Nẵng đang đẩy mạnh việc hợp tác với doanh nghiệp để đào tạo nghề. Nhờ vậy, chất lượng dạy nghề được nâng cao, tỷ lệ học viên sau khi ra trường có việc làm cũng tăng lên rõ rệt.

Một tiết thực hành tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng.
Một tiết thực hành tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng.

Đôi bên cùng có lợi

Trường CĐ nghề Đà Nẵng nhiều năm qua luôn chủ động tìm đến các doanh nghiệp và coi đó là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi khoa, mỗi giáo viên. Bằng cách này, học sinh và giáo viên của nhà trường được thực tập, tham quan tại doanh nghiệp. Không những thế, nhiều em còn được nhận vào làm tại chính doanh nghiệp mình đã thực tập. Thạc sĩ Phan Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Đà Nẵng cho biết: “Ở mỗi khách sạn đều có yêu cầu riêng đối với nhân viên trong các khâu. Nếu không đưa sinh viên xuống thực tập để nắm rõ sự khác biệt đó mà chỉ học theo khuôn mẫu thì sẽ không đạt hiệu quả”. Chẳng hạn, với những khách sạn có lượng khách châu Á ổn định thì việc phục vụ sẽ khác rất nhiều so với khách sạn chuyên đón khách châu Âu, từ việc xếp khăn ăn cho đến nấu các món ăn hợp khẩu vị cũng là cả vấn đề.

Trường CĐ nghề Đà Nẵng đã mời được khoảng 50 doanh nghiệp thường xuyên tham gia phối hợp đào tạo nghề như: Nhà máy đóng tàu Sông Thu, Tập đoàn Doosan, Xí nghiệp may Hữu nghị, Công ty Dệt may 29-3, Nhà máy lọc dầu Dung Quất; các khách sạn Phương Đông, Furama, Green Plaza... Trường cũng vừa đưa 15 giáo viên đi thực tế một nhà máy đóng tàu ở Dung Quất (thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Thạc sĩ Phan Văn Sơn cho biết: “Sau những chuyến đi thực tế như vậy, chúng tôi luôn điều chỉnh chương trình đào tạo như tăng tiết kỹ năng của một số nghề, tăng thời lượng học tiếng Anh chuyên ngành...”. Trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp, sinh viên không chỉ có thêm kiến thức mà còn được nhận lương khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Đầu năm nay, nhà trường đã đưa 200 em đi thực tập tại Công ty Cơ điện lạnh Đà Nẵng (đóng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh). “Sau thời gian thực tập, tay nghề của các em được nâng lên rõ. Nhiều em giỏi nghề còn được doanh nghiệp “nhắm” và tuyển dụng ngay sau khi ra trường”, cô Nguyễn Thị Ngọc Minh, Phó phụ trách khoa điện Trường CĐ nghề Đà Nẵng nói.

Với các nghề lễ tân, dịch vụ nhà hàng, nấu ăn (Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng), nghề điêu khắc đá mỹ nghệ (Trung tâm Giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp quận Ngũ Hành Sơn), học viên sau khi học lý thuyết ở trung tâm sẽ được dạy thực hành và làm việc tại doanh nghiệp.

Trường Trung cấp nghề Việt - Úc cũng là đơn vị khá năng động trong liên kết với các doanh nghiệp. Hiệu trưởng Đặng Phúc Sinh cho biết, giáo viên giảng dạy tại trường là những đầu bếp giỏi được mời từ các nhà hàng, khách sạn hoặc những chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm. Bởi vậy, các em ra trường đều đáp ứng được yêu cầu công việc. Hằng năm, có đến 95% học viên của trường tìm được việc làm bởi các đơn hàng được trường ký thường xuyên với nhiều khách sạn, nhà hàng như: The Nam Hai, Crowne Plaza Danang, Life Resort… Nhờ hợp tác cùng trường dạy nghề, nhiều nhà hàng, khách sạn, các đơn vị sản xuất kinh doanh tránh được căn bệnh kinh niên thiếu lao động và qua đó dễ tìm được người giỏi nghề.

Có cần sự ràng buộc?

Theo Thạc sĩ Phan Văn Sơn, hiện nay, điều kiện làm việc, mức lương của công nhân đã dần được cải thiện nhưng vẫn chưa tương xứng với công sức. Các doanh nghiệp không bỏ chi phí đào tạo, chỉ tuyển dụng lao động có sẵn trên thị trường. Do vậy, ngoài việc gạn lọc đầu tư các ngành, nghề có công nghệ không sử dụng quá nhiều lao động phổ thông để giảm bớt áp lực, thành phố cần có quy định ràng buộc các nhà đầu tư phải trả chi phí cho đào tạo nghề và phải đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở cho công nhân khi đầu tư vào Đà Nẵng.

Cũng theo ông Sơn, thành phố có thể thí điểm áp dụng mô hình đào tạo nghề “kép” của Đức tại một số cơ sở đào tạo nghề, ở một số nghề. Nghĩa là, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp cùng lựa chọn người học; cùng xây dựng chương trình đào tạo; cùng tổ chức đào tạo theo hình thức đào tạo cơ bản tại cơ sở dạy nghề, đào tạo thực hành tại doanh nghiệp; cùng đặt ra tiêu chuẩn chất lượng tốt nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí việc làm cho lao động khi ra trường. Các trường liên kết với doanh nghiệp không chỉ để hiểu xem họ muốn mình đào tạo lĩnh vực nào mà còn “tranh thủ” các doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị, máy móc dạy nghề và tạo điều kiện cho các học viên thực tập, thử việc...

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm Luật Dạy nghề vừa diễn ra ở Đà Nẵng, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên có quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp một cách cụ thể, có chế tài rõ ràng để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nghề.

Bài và ảnh: KIM NGÂN
 

;
.
.
.
.
.