.

Cùng xây dựng nông thôn mới

.

Thực hiện Đề án Xây dựng nông thôn mới huyện Hòa Vang giai đoạn 2011-2020, trong gần 2 năm qua, các cấp Công đoàn huyện Hòa Vang đã tích cực đóng góp nguồn quỹ và trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất mới, tạo việc làm ổn định cho bà con, góp phần xây dựng nông thôn Hòa Vang ngày càng khởi sắc.

Mô hình sản xuất nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao ở HTX nấm Hòa Tiến.
Mô hình sản xuất nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao ở HTX nấm Hòa Tiến.

Thời gian qua, LĐLĐ huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong CNVCLĐ về yêu cầu và nội dung xây dựng nông thôn mới hiện nay. Phối hợp với các hội, đoàn thể của huyện tổ chức Hội thi “Nữ CNVCLĐ với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới” với nhiều nội dung thiết thực liên quan trực tiếp đến quá trình hoạt động và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bên cạnh đó, Công đoàn đã vận động đóng góp quỹ xây dựng nông thôn mới với mức 30 ngàn đồng/người, đến nay đã thu trên 40 triệu đồng. Ông Đặng Sỹ Cừ, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hòa Vang cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của chương trình, đoàn viên, CNVCLĐ huyện đã tích cực hưởng ứng với tinh thần và trách nhiệm cao, thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, góp phần cùng chính quyền và các đoàn thể xã hội thực hiện hiệu quả đề án Xây dựng nông thôn mới.

Tiêu biểu là Công đoàn Phòng NN&PTNT huyện. Với đặc thù chuyên môn của mình, cán bộ, nhân viên đơn vị đã chủ động tham mưu, đề xuất với Huyện ủy, UBND huyện trực tiếp hỗ trợ cho bà con nông dân tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, chuyên canh mang lại hiệu quả cao như mô hình nuôi cá nước ngọt, trồng rau an toàn (Hòa Phong), nuôi dê thâm canh (Hòa Ninh, Hòa Sơn), trồng lúa giống (Hòa Tiến, Hòa Phước), HTX nấm Hòa Tiến, CLB nuôi cá Phước Sơn... Theo ông Lê Đình Ca, Chủ tịch Công đoàn Phòng NN&PTNN huyện, cán bộ, nhân viên đơn vị đã nghiên cứu, xây dựng các mô hình sản xuất điểm và trực tiếp hướng dẫn, theo dõi quá trình nông dân xây dựng các mô hình trên từng địa bàn cụ thể. Để nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, đơn vị phối hợp với các xã tổ chức cho các hộ nông dân tiêu biểu tham quan, học tập mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tổ chức 12 lớp đào tạo nghề và 24 lớp tập huấn kỹ thuật (nuôi cá, nấu ăn, trồng nấm) cho gần 1.000 nông dân. Ngoài ra, còn hỗ trợ bà con nguồn giống để sản xuất, tìm đầu ra sản phẩm, tạo điều kiện để nông dân chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, cải thiện đời sống... Ông Nguyễn Mai Hồng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp nấm Hòa Tiến phấn khởi cho biết, được sự quan tâm hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện, HTX đã có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nhờ đó thu nhập nâng lên, đời sống của xã viên dần ổn định.

Hiệu quả từ những việc làm của cán bộ, CNVCLĐ huyện Hòa Vang thời gian qua đã khẳng định việc đa dạng hóa các mô hình sản xuất nhằm giúp cho nông dân ngày càng được tiếp cận nhiều cách làm mới, khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động ở địa phương là việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực. Hy vọng rằng, phong trào tiếp tục được phát huy, nhân rộng để góp phần xây dựng Hòa Vang ngày càng giàu đẹp, hòa nhịp cùng sự phát triển của thành phố.

Bài và ảnh: SÁNG PHAN

;
.
.
.
.
.