.

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm: Vì sao khó đòi?

.

(ĐNĐT) - Với mức xử phạt doanh nghiệp (DN) vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) quá nhẹ (tối đa 30 triệu  đồng), các thủ tục chế tài lại quá nhiêu khê, nên hiện không ít DN cố tình chiếm đoạt BHXH , bảo hiểm Y tế (BHYT) của người lao động (NLĐ).

Phiên tòa xét xử một công ty ở Đà Nẵng nợ BHXH ngày 3-12-2010 (Ảnh tư liệu/ ĐNĐT)
Phiên tòa xét xử một công ty ở Đà Nẵng nợ BHXH ngày 3-12-2010 (Ảnh tư liệu/ ĐNĐT)

750 DN còn nợ, nợ đọng

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Trưởng phòng Thu, BHXH thành phố Đà Nẵng, tình hình nợ, nợ đọng BHXH, BHYT (nợ từ 3 tháng trở lên) vẫn diễn biến phức tạp và rất đáng quan tâm. Tính đến ngày 30-9, tổng số DN còn nợ, nợ đọng BHXH, BHYT của toàn thành phố là 750 đơn vị.

Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT (bao gồm cả bảo hiểm thất nghiệp) là 122 tỷ đồng (chiếm khoảng 6,9%/kế hoạch giao 2012). Riêng nợ đọng từ 3 tháng trở lên gần 68 tỷ đồng (chiếm 55% tổng nợ).

Trong số đó, có thể điểm qua hàng chục đơn vị nợ đọng lớn, kéo dài như: Chi nhánh Công ty cổ phần Someco Sông Đà tại miền Trung, nợ 2,6 tỷ đồng; Chi nhánh Trung tâm điện thoại di động C.D.M.A tại Đà Nẵng, nợ 2,3 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại VINAWACO 25, nợ 1,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng Điện VNECO 6, nợ 1,3 tỷ đồng;  Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng-TCT Miền Trung, nợ 1,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Ecico, nợ 1,1 tỷ đồng…

Giải thích về lý do chậm trễ, thậm chí chây ì trong việc thanh toán BHXH, BHYT, các DN còn nợ đọng đều cho rằng: do tình hình kinh tế cả nước nói chung, của thành phố Đà Nẵng nói riêng đang gặp nhiều khó khăn nên hoạt động kinh doanh, sản xuất của họ cũng gặp khó khăn.

Ông Võ Văn Đào, Giám đốc Công ty Ecico, phân trần, do thời gian này các dự án xây dựng, công trình xây dựng đều bị cắt giảm đầu tư, kinh phí chậm quyết toán nên đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn liếng.

“Với lại, chúng tôi là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) nên được BHXH Việt Nam và tập đoàn bảo lãnh vay tiền từ Quỹ hỗ trợ phát triển để chuyển qua BHXH ở mức khoảng 700 triệu đồng, nhưng đang chờ xử lý hồ sơ, chưa giải quyết xong. Số nợ còn lại, do một số công trình trong tập đoàn và một số công trình của thành phố chưa thanh toán. Chỉ cần họ trả, chúng tôi thanh toán ngay”, ông Đào thanh minh.

Theo thống kê của BHXH thành phố Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm, BHXH thành phố đã kiểm tra 62 đơn vị sử dụng lao động. Đã kiến nghị thu hồi tổng số nợ BHXH là gần 16 tỷ đồng; đã thu hồi ngay sau khi kiểm tra số tiền gần 4 tỷ đồng tại 106 đơn vị sử dụng lao động. Kiến nghị truy thu BHXH, BHYT, BHTN của 89 lao động với số tiền gần 50 triệu đồng do đóng không đúng theo mức tiền lương tối thiểu vùng quy định và kiến nghị các đơn vị tham gia BHXH, BHYT và BHTN cho 439 lao động.

Đây cũng là lý do được đại diện Chi nhánh Công ty cổ phần ĐTXD&TM VINAWACO 25 đưa ra để giải thích cho sự chậm trễ trong việc thanh toán BHXH của chi nhánh công ty mình. “Kinh tế quá khó khăn. Công ty hoạt động chủ yếu về lĩnh vực xây dựng, khi công trình chưa quyết toán được, chúng tôi chưa có tiền để nộp”, vị đại diện này giải thích.

Xử phạt không đủ răn đe!

Theo bà Trần Thị Hồng Vân, Chánh thanh tra Sở LĐTB&XH thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã xử phạt hành chính bằng tiền 16 DN trên địa bàn nợ BHXH 47 triệu đồng, nhưng không đủ sức răn đe.

“Chỉ với những DN còn nợ trên 12 tháng thì phía BHXH mới lập hồ sơ khởi kiện ra tòa. Còn những đơn vị nợ dưới thời gian đó thì chỉ bị xử phạt hành chính bằng tiền tối đa 30 triệu đồng nên cũng không đủ sức răn đe”, bà Vân nói.

Theo ông Lê Anh Nhân, Phó Giám đốc BHXH thành phố Đà Nẵng, BHXH không có chức năng xử phạt mà chỉ được quyền lập biên bản và sau đó báo cáo cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra với các đơn vị còn nợ, nợ đọng kéo dài. Điều này khiến cho công tác thanh tra xử phạt không chủ động được.

Theo ông Hùng Anh, để từng bước giải quyết một cách dứt điểm đối với tình trạng này, cần tập trung cán bộ quản lý, đôn đốc trực tiếp từng đơn vị để thu hồi nợ. Ngoài ra, cần triển khai nhiều biện pháp tích cực khác như: tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trực tiếp đến đơn vị và người lao động về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT...

Đối với trường hợp cố tình chây ì, sẽ phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố thực hiện công tác tiến hành khởi kiện các đơn vị còn nợ tiền BHXH. “Dự kiến cuối tháng này, chúng tôi sẽ đề nghị UBND thành phố quyết định thanh tra liên ngành khoảng 100 đơn vị. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiến hành khởi kiện đối với 9 đơn vị còn nợ đọng kéo dài”, ông Anh cho hay.

Tại buổi làm việc với BHXH thành phố Đà Nẵng ngày 18-9 vừa qua, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh yêu cầu BHXH cần tiến hành phân loại doanh nghiệp theo năng lực tài chính, sau đó chọn ra những doanh nghiệp lớn có khả năng chi trả BHXH nhưng vẫn chây ì, nợ đọng kéo dài để khởi kiện ra tòa nhằm răn đe các đơn vị khác.

Hy vọng, một khi các biện pháp nêu trên được thực hiện một cách quyết liệt, thì BHXH thành phố sẽ không còn cảnh “khăn gói” đi kiện DN và NLĐ cũng yên tâm với những quyền lợi mình được hưởng.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.