Có lẽ chưa khi nào, người tiêu dùng nông thôn lại tỏ ra sợ hàng Trung Quốc như hiện nay. Đi đến đâu, mua thứ gì, mọi người đều xem kỹ hàng nội hay ngoại. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm để hàng Việt về nông thôn tốt nhất.
Những phiên chợ về vùng xa luôn được người dân trông chờ. |
Tính đến nay, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Đà Nẵng đã triển khai được 3 năm. Theo Trung tâm Thông tin Xúc tiến thương mại (XTTM) thành phố, qua hơn 10 Phiên chợ hàng Việt được tổ chức về nông thôn, vùng ngoại thành và các KCN Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, sức lan tỏa của chương trình đến từng nhà, từng vùng. Trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển mạng lưới hàng hóa ở khu vực ngoại thành, các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa… Đến đâu, chương trình cũng nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Điều đó thể hiện qua doanh thu hơn 8 tỷ đồng tại các kỳ tổ chức.
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Chi nhánh Co.op Mart Đà Nẵng chia sẻ: “Bản thân Co.op Mart là đơn vị hoạt động theo mô hình HTX, do đó đưa hàng Việt về nông thôn là nhiệm vụ chính trị lớn, chứ không chỉ là hoạt động kinh doanh thời vụ. Đến nay sau 3 năm, chúng tôi vẫn duy trì bán hàng về nông thôn, kể cả lưu động. Cứ trung bình mỗi tháng lại có 2 chuyến đi như vậy.
Thông thường, mỗi phiên chợ này được tổ chức từ 3-5 ngày, với các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của nhân dân như đồ dùng sinh hoạt, hàng may mặc, giấy vở, bột ngọt, đường... Trong quá trình diễn ra các phiên chợ, doanh nghiệp (DN) tham gia dành một khoản kinh phí để thực hiện các hoạt động vì cộng đồng như trao quà, xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi, gia đình chính sách, công nhân nghèo hay tư vấn sức khỏe, khám và chữa bệnh cho nhân dân tại mỗi địa phương. Ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động văn nghệ, giao lưu thể thao để tạo thêm không khí sôi nổi cho phiên chợ, thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm. Tuy nhiên, theo ông Hứa Tự Anh, Giám đốc Trung tâm XTTM, khó khăn nhất trong việc kích thích các DN tham gia “dài hơi” là nguồn kinh phí. Những phiên bán hàng gần đây, nhiều đơn vị không mấy mặn mà vì vừa phải đi xa, trong khi doanh thu lại không nhiều. Mục tiêu của DN là phải bán được hàng và nếu không có lời thì không ai muốn đi nữa. Đó là thực tế. Do vậy, cần thiết phải xây dựng mạng lưới phân phối liên tục và lâu dài thì hàng Việt mới phát triển mạnh hơn... Nhưng nếu không có kinh phí rất khó để thực hiện.
Đại diện Siêu thị Big C cho biết, hiện siêu thị không triển khai chiến dịch đưa hàng về nông thôn mà chỉ hỗ trợ nông dân lên thành phố mua hàng tại siêu thị bằng cách tổ chức một số tuyến xe buýt miễn phí đưa người dân ở các huyện ngoại thành tới Big C mua hàng với giá rẻ. Với Co.op Mart Đà Nẵng, 9 tháng đầu năm nay, tuy đã tổ chức được 20 chuyến hàng Việt khắp các địa bàn với doanh thu khoảng 3 tỷ đồng, nhưng thừa nhận lỗ thực sự. Ban lãnh đạo siêu thị cho hay, nếu các năm trước doanh thu đạt 150-300 triệu đồng/chuyến thì năm nay chỉ còn 80-150 triệu đồng/chuyến.
Việc tổ chức bán hàng về các vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển hàng hóa. Đối với bán hàng lưu động, sức mua của người dân chỉ tập trung vào cuối năm, đặc biệt là dịp Tết. Với kiểu “đánh” lẻ tẻ từng đợt, mấy đơn vị thành công trong việc khai thác thị trường nông thôn như Unilever, P&G, PepsiCo Việt Nam, CocaCo Việt Nam, Tân Hiệp Phát, Nestlé, Dutch Lady, Vinamilk, Vina Acecook, Kinh Đô, Mỹ Hảo... Không chỉ chiếm thị phần lớn, các công ty này còn đưa hàng hóa bao phủ vùng sâu, vùng xa của cả nước vì họ có mạng lưới đại lý các cấp.
Năm 2012, các DN tham gia các Phiên chợ hàng Việt về nông thôn được hỗ trợ kinh phí từ chương trình XTTM quốc gia. Mỗi phiên được “rót” về để Trung tâm XTTM tổ chức khoảng 70 triệu đồng. Mức hỗ trợ này khiến DN một là không tham gia, hai là muốn đi phải bỏ tiền. Rõ ràng, để không chạy theo phong trào mà phải đầu tư chiều sâu, cần có những chính sách tiếp sức giúp DN tiếp cận thị trường nông thôn nhiều hơn. Vấn đề là làm sao hàng Việt đến gần với người dân nông thôn nhất và nâng sức mua của thị trường này là lâu bền, chứ không chỉ theo đừng đợt vận động.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH