.

Hàng nội địa - cứu cánh của doanh nghiệp

.

Từ thực tế các doanh nghiệp (DN) đứng vững và ổn định sản xuất trong thời gian vừa qua như Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty CP Dệt Hòa Khánh, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Cao su Đà Nẵng và rất nhiều DN sản xuất hàng tiêu dùng khác đều có một điểm chung là tỷ trọng hàng tiêu dùng nội địa ngày càng cao. Cá biệt như Công ty CP Dệt Hòa Khánh gần 100% sản lượng hàng hóa là hàng tiêu dùng nội địa.

Bộ phận KCS Công ty CP Dệt may 29-3 kiểm tra sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa với cùng quy trình.
Bộ phận KCS Công ty CP Dệt may 29-3 kiểm tra sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa với cùng quy trình.

Hiện nay, từ siêu thị lớn như Coop Mart Đà Nẵng, Big C… đến các cửa hàng bán lẻ trên khắp thành phố, tỷ trọng hàng nội địa ngày càng cao, có nơi chiếm tới gần 80% tổng lượng hàng hóa với giá cả phù hợp. Đi đầu trong các DN nội địa hóa sản phẩm thuộc ngành dệt may. Thay vì trước đây các DN này chỉ quan tâm tới làm hàng xuất khẩu, việc tham gia thị trường nội địa chỉ là hình thức, hoặc chỉ bán những sản phẩm bị loại, không xuất khẩu được, nay hầu hết đã có hẳn chiến lược sản xuất hàng nội địa. Ưu điểm của việc sản xuất và tiêu thụ hàng nội địa là chi phí ngoài sản xuất (chi phí bán hàng, chi phí vận chuyển, chiết khấu hoa hồng…) thấp. Thêm vào đó là nắm bắt nhanh nhu cầu của thị trường, trên cơ sở đó nhanh chóng thay thế mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Vì vậy, các DN đã đầu tư, xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ tương đối đồng bộ từ khâu thiết kế mẫu đến việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ, nhằm phục vụ một cách tốt nhất người tiêu dùng. Người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi đến các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các DN, vào các siêu thị… đều có thể mua được bộ quần áo may sẵn với giá cả phải chăng, hợp thời trang. Tại các cửa hàng bán sản phẩm của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, người tiêu dùng có thể mua được những mặt hàng cao cấp như bộ veston chất lượng cao, nhưng giá chỉ bằng khoảng 60% so với may mới. Một nhân viên bán hàng tại Siêu thị Coop Mart Đà Nẵng cho biết, các mặt hàng nội địa chiếm trên 90% và tiêu thụ rất mạnh, nhất là vào các ngày nghỉ. Người mua cũng rất đa dạng, nếu như trước đây, người mua thường có thu nhập thấp, thì nay có cả những người thu nhập cao, do chất lượng các mặt hàng khá tốt.

Khi hàng nội lên ngôi

Đối với các mặt hàng điện, điện lạnh và đồ điện tử, rất khó tìm được sản phẩm ngoại, do các mặt hàng này đã được sản xuất ở trong nước nhưng chất lượng không hề thua kém sản phẩm ngoại nhập, giá cả chỉ bằng  từ 60% trở xuống so với hàng ngoại. Trong đó, nhiều mặt hàng được sản xuất bởi các cơ sở liên doanh của các DN Việt Nam với đối tác nước ngoài, hoặc được sản xuất bằng công nghệ ngoại nhập.

Công ty CP Cao su Đà Nẵng là ví dụ điển hình cho việc quan tâm, ưu tiên đến hàng nội địa, trước khi xuất khẩu. Hiện công ty có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao và là một trong những DN hàng đầu trong ngành cao su (khoảng 10 triệu USD/năm) và có xu hướng tăng dần qua các năm. Trong đó có một số mặt hàng gần như độc quyền ở khu vực Đông Nam Á như các loại lốp ô-tô chuyên dùng cho xe siêu trường, siêu trọng phục vụ trong ngành khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, sản xuất để tiêu thụ nội địa vẫn là chủ yếu, chiếm khoảng trên 85% doanh thu. Điều đáng mừng là các sản phẩm của công ty được xếp vào danh mục thay thế các mặt hàng nhập ngoại khi xây dựng các dự án đầu tư.

Ngoài ra, còn rất nhiều ngành hàng như sản xuất giấy, sản xuất dây cáp điện, chế biến nông sản, thực phẩm cao cấp…, thậm chí cả các thiết bị đo lường, kiểm định, thiết bị y tế đã và đang được nhiều cơ sở sản xuất và tiêu thụ trong nước. Những ngành này đang ngày càng phát triển nhờ có chiến lược đúng là ưu tiên phát triển sản xuất hàng tiêu thụ nội địa trước khi tham gia vào thị trường xuất khẩu đầy rủi ro.

Với hơn 80 triệu dân, Việt Nam là thị trường lớn, là mối quan tâm của nhiều tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những mục tiêu hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam là thị trường đông dân, giàu tiềm năng. Vì vậy, muốn phát triển bền vững, các DN trong nước phải có hậu phương vững chắc, đó chính là thị trường nội địa.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH
 

;
.
.
.
.
.