.

Khó xử lý doanh nghiệp “mất tích”

.

Chưa bao giờ hai ngành Thuế và Kế hoạch-Đầu tư thành phố phải vất vả trong việc nỗ lực tìm kiếm doanh nghiệp (DN)  “mất tích” như hiện nay. Nguồn thu ngân sách của thành phố và công tác quản lý Nhà nước đối với DN gặp khó khăn nhiều hơn.

Nhiều doanh nghiệp chết vì dự án đầu tư công tạm dừng. 						Ảnh: THU PHƯƠNG
Nhiều doanh nghiệp chết vì dự án đầu tư công tạm dừng. Ảnh: THU PHƯƠNG

Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư mỗi ngày nhận được vài chục thông báo của các Chi cục Thuế yêu cầu “khóa sổ” các DN không còn tồn tại. Cán bộ Sở ngán ngẩm vì chỉ ngồi cả ngày nhập thông tin của DN vào máy tính để báo cáo trên hệ thống nội bộ giữa 2 ngành Thuế và Kế hoạch-Đầu tư. Có hàng chục lý do yêu cầu “khóa sổ” DN như DN không thực hiện kê khai thuế, chưa làm thủ tục giải thể, bỏ trốn khỏi trụ sở, chưa quyết toán thuế, chấm dứt hoạt động kinh doanh... Nhưng chung quy lại là ngành Thuế không tìm được DN tại địa chỉ trụ sở như đã đăng ký. Từ đầu năm đến ngày 10-10, đã có 946 DN bị ngành Thuế yêu cầu khóa mã số kinh doanh. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay, chỉ  trong vòng hơn 9 tháng.

Đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực trạng này diễn ra do các dự án đầu tư công trong năm 2012 bị đình, tạm dừng hoặc giới hạn. Các DN nhỏ và vừa chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ, vận tải, thương mại cung cấp nguyên vật liệu, tham gia xây dựng công trình... đua nhau ra đời, mục đích chủ yếu “ăn theo” các dự án đầu tư công, nay đã bị đóng lại cơ hội làm ăn. Ngoài ra, một lượng khá nhiều dịch vụ môi giới bất động sản cũng “đắp chiếu” khi thị trường bất động sản đóng băng. Hậu quả là hàng loạt DN đã đóng cửa nhưng không chịu thực hiện nghĩa vụ về thuế. Có DN chỉ nợ thuế vài trăm ngàn đồng nhưng cũng có DN nợ đến vài tỷ đồng. Cán bộ thuế ở cơ sở phải “vàng mắt” đi tìm DN nhưng cũng không có kết quả gì. Ông Nguyễn Đức Xa, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tại Đà Nẵng từ trước đến nay chỉ có duy nhất 1 DN “chết” có làm thủ tục theo đúng pháp luật về phá sản và giải thể DN. Thủ tục khóa sổ DN do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định hiện hành có vẻ đơn giản nhưng thực tế rất trở ngại. Trở ngại nằm ở chỗ DN không có thông báo đóng mã số thuế của cơ quan thuế vì chưa quyết toán thuế.

Việc phối hợp trong công tác thu thuế và quản lý Nhà nước đối với DN trên địa bàn đang gặp khó khăn và lúng túng vì chưa có giải pháp cụ thể để xử lý những trường hợp này. Cách làm hiện nay là Nhà nước vẫn đang quan tâm, ưu ái và tạo điều kiện đến cơ hội cuối cùng cho DN quay lại “mở khóa”, tiếp tục hoạt động sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Trụ sở DN đã đóng cửa dài hạn nhưng không thông báo giải thể.
Trụ sở DN đã đóng cửa dài hạn nhưng không thông báo giải thể.

Theo nhận định chung của các doanh nhân, Luật Doanh nghiệp 2005 rất thông thoáng, tạo điều kiện cho DN ra đời và hoạt động. Tuy nhiên, để sự thông thoáng này không trở thành kẽ hở bị lợi dụng, cần phải có sự đồng bộ về công cụ bảo vệ, cơ sở hạ tầng để giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật của DN. Nếu thành phố quyết định xóa bỏ DN không quyết toán thuế mà không có chế tài sẽ tạo tiền lệ cho việc vi phạm pháp luật trong kinh doanh và sự ra đời tràn lan của các DN “cò con”, trình độ nhận thức kém hoặc làm ăn chụp giật.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, số DN trên địa bàn thành phố ra đời cũng tương đương so với cùng kỳ năm trước (1.700 DN), mặc dù tình hình kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng. Đây là con số đáng mừng hay đáng suy ngẫm về thực trạng DN làm ăn không có kế hoạch, thành lập một cách tùy tiện rồi lại bỏ trốn khi thất bại, khiến cho công tác quản lý Nhà nước thêm mệt mỏi.

Bài và ảnh: THU PHƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.