.

Khóc vì giống hoa Tết

.

Mới xuống giống được nửa tháng, hàng nghìn cây cúc được nông dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang trồng cho vụ Tết đều trở vàng lá, thối rễ. Dùng hết phân này đến thuốc khác, cây cúc vừa mới lên xanh vẫn héo úa...

Hàng nghìn cây giống cúc bị nở cổ rễ, vàng lá.
Hàng nghìn cây giống cúc bị nở cổ rễ, vàng lá.

Một chậu 3-4 cây bệnh

Cố gắng “chặn” vàng lá cho hơn 700 chậu cúc pha lê, ông Nguyễn Trung, Chủ nhiệm HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ hoa, cây cảnh Vân Dương thuộc xã Hòa Liên lắc đầu: “Mấy năm cũng có tình trạng này, nhưng rất ít, cùng lắm vài ba cây. Năm nay thì y như dịch, cả làng đều bị”. Mấy người trồng hoa đứng gần đó cũng góp lời: “Xuống giống, xuống phân, phải chi mưa thì đỡ biết mấy, ai ngờ nắng ráo riết. Tưới nước gặp trời nắng dễ phát sinh bệnh”. Cây con nhìn xanh tốt trong buổi sáng, nhưng đến trưa, chiều, khi nắng gay gay, cây bắt đầu héo úa. Trong nhiều chậu cúc của ông Trung, cứ mươi cây là có 3, 4 cây bị vàng lá và nở cổ rễ. Thống kê khoảng 4.000 trong số 12.000 cây giống trong vườn bị bệnh, ông Trung đang nỗ lực dùng các kỹ thuật và kinh nghiệm mình có để ngăn chặn dịch tràn lan ra cả vườn.

Và rất nhiều trong số 87 hộ trồng hoa Tết ở Hòa Liên với trên 60.000 chậu cúc (mỗi chậu khoảng 8-10 cây) đều gặp cảnh tương tự. Ông Lê Thành Nhi, một người trồng hoa của thôn Vân Dương 1, phải bỏ đến 30% số cây bệnh trên tổng số 1.500 chậu cúc. Riêng đối với hộ mới trồng lần đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm như anh Lê Anh Thân, thôn Vân Dương 1, việc quá nhiều cây bị bệnh khiến anh bối rối, vì “bỏ thì thương, vương thì tội”. Anh nói: “Lẽ ra tất cả những cây bệnh và nghi bệnh đều phải vứt đi, nhưng bệnh nhiều quá, bỏ hết đi rồi còn gì để làm nên phải ráng coi thử”. Ông Trung cũng cho hay, vì cây bệnh, nhiều nhà vườn phá vườn mua giống mới, nhưng không đủ vì nguồn giống rất “gay”, họ phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để mua giống.

Khổ vì giống xấu

Theo kinh nghiệm của ông Phan Hòa, một người trồng hoa lâu năm ở thôn Vân Dương 2, tình trạng trên được đa số nông dân cho là bệnh nở cổ rễ, nhưng thực chất là bị “bụp” rễ, với biểu hiện chính là rễ bị úng nước. “Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà cung cấp giống hoa, muốn “chạy” cho đủ số lượng cung cấp cho các nhà vườn, đã dùng thuốc kích thích tăng trưởng khi cây con còn non ngày, dẫn đến tình trạng rễ bị thối, không thể đưa chất dinh dưỡng lên cây”, ông Hòa nói. Ông Lê Thành Nhi cho hay, khi mới đưa cây giống về, nhiều cây còn không có cả gốc, chưa hề qua xử lý hay nuôi cho có rễ. “Nhưng không gốc thì mình còn xoay xở, nuôi nó được dù rất cực, còn nở hay lở cổ rễ là coi như thua, gần như phải bỏ hết”, ông Nhi phân trần. Theo ông Nhi, nhiều thùng giống có thể đã bị úng và xuống chất lượng khi qua khâu vận chuyển, nên vừa xuống giống phải xử lý ngay, không thể để đến lúc cây bệnh sẽ không kịp trở tay.

Bằng kỹ thuật và kinh nghiệm nhiều năm, ông Hòa cho biết tự nhân giống cho hàng nghìn chậu cúc đại đóa, nên may mắn không gặp phải tình trạng trên. “Cách nhân giống này vừa giúp giảm chi phí và giá thành sản xuất, vừa kiểm soát được về chất lượng”, ông nói. Theo ông Trung, trong thời gian tới, HTX sẽ có phương án đầu tư các trang thiết bị cần thiết như nhà lưới, hệ thống điện... cho việc nhân giống thật hiệu quả tại địa phương. Còn trước mắt, đa số nhà vườn vẫn phải phụ thuộc vào nguồn giống từ Đà Lạt và “may nhờ rủi chịu” mà không biết kêu ai.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.