.

Kim ngạch xuất khẩu các tỉnh duyên hải miền Trung: Chỉ chiếm 4% cả nước

.

(ĐNĐT) - 9 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh duyên hải miền Trung đạt 3.385,0 triệu USD (chiếm khoảng 4% so với cả nước), tăng trên 23% so cùng kỳ 2011.

Giám đốc 11 Sở Công thương các tỉnh thành Vùng Duyên hải miền Trung cùng về tham dự Hội nghị
Giám đốc 11 Sở Công thương các tỉnh, thành duyên hải miền Trung tham dự hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị giao ban giám đốc Sở Công thương 11 tỉnh, thành duyên hải miền Trung,  do Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) và Sở Công thương thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 19-10, trong 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của 9/11 tỉnh, thành duyên hải miền Trung (không kể Quảng Trị và Bình Định) ước đạt 71.921,6 tỷ đồng, tăng 10,85% so cùng kỳ năm ngoái.

Một số mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm công nghiệp thế mạnh của vùng, đạt mức tăng trưởng khá, như: hải sản khô, đông lạnh (Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế...); đá xây dựng, đá khai thác (Quảng Trị, Bình Thuận...); may mặc (Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Bình...), tinh bột sắn (Phú Yên, Bình Định, Quảng Trị), phân bón (Quảng Bình), bia (Quảng Ngãi, Bình Định...), quặng Zircon (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), đóng mới và sửa chữa tàu (Khánh Hòa)...

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm có sự sút giảm đáng kể, như: muối hạt, đường (Bình Thuận, Bình Định) cát, sỏi, xi măng, vải lụa, lốp ôtô (Đà Nẵng) ... Nhiều sản phẩm tồn kho lớn như ôtô, sản phẩm gỗ, xi măng...

Tuy vậy, hoạt động thương mại trên địa bàn vùng, vẫn duy trì ở mức tăng khá. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng 9 tháng, ước đạt 205.028 tỷ đồng, tăng 20,18% so cùng kỳ năm ngoái. Các tỉnh có tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ cao là Đà Nẵng (38.142 tỷ đồng), Khánh Hòa (33.166 tỷ đồng)…Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn vùng, đạt 3.385,0 triệu USD (chiếm khoảng 4% so với cả nước), tăng trên 23% so cùng kỳ 2011.

Hội nghị cho biết, quy mô sản xuất công nghiệp trong vùng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, kim ngạch xuất khẩu đạt thấp, qui mô nhỏ. Những khó khăn nội tại của nền kinh tế cả nước, như: sức mua thấp, lãi suất cao, doanh nghiệp khó vay vốn… đã tác động bất lợi đến sản lượng sản xuất công nghiệp. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa mang lại hiệu quả cao, việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt chưa tạo được sức lan tỏa mạnh về Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN phát triển, giám đốc các Sở Công thương 11 tỉnh duyên hải miền Trung đã đưa ra nhiều kiến nghị như:  cần có cơ chế chính sách linh hoạt đối với các địa phương, làm sao để giải phóng hàng tồn kho, giúp DN tiếp cận được vốn ngân hàng...

Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.