Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh tại Hội thảo khoa học “Đào tạo nghề - giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội” vào sáng 25-10 do UBND thành phố tổ chức.
Một lớp học nghề điện tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng. Ảnh: P.TRÀ |
Đồng chí Nguyễn Xuân Anh ghi nhận những kết quả trong công tác đào tạo nghề thời gian qua đáp ứng tốt hơn nguồn nhân lực kỹ thuật và dịch vụ, góp phần vào tiến trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của thành phố. “Việc quy hoạch ngành nghề đào tạo chưa được triển khai thực hiện. Liên kết giữa các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp vẫn còn là khâu yếu dẫn đến chất lượng lao động thấp, doanh nghiệp phải đào tạo lại...”, đồng chí Nguyễn Xuân Anh nói.
Phó Chủ tịch UBND thành phố giao nhiệm vụ cho Sở LĐ-TB&XH cần đẩy mạnh hơn nữa việc tham mưu cho lãnh đạo thành phố về đầu tư hoạt động đào tạo nghề. Trường CĐ nghề phải hoàn thành tốt nhiệm vụ đáp ứng nguồn nhân lực cho Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung.
Nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu về những vấn đề khác như xã hội hóa về dạy nghề; hoàn thiện hệ thống dạy nghề theo hướng thực hành và tăng cường phân luồng học sinh THCS, THPT vào học nghề; đa dạng hóa hình thức đào tạo và thực hiện xã hội hóa dạy nghề; xây dựng cơ chế, chính sách liên kết đào tạo giữa các cơ sở với doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề...
Theo báo cáo tại hội thảo, Đà Nẵng hiện có 62 đơn vị đào tạo 122 ngành nghề với quy mô tuyển sinh khoảng 46.000 học sinh/năm, trong đó trình độ CĐ và trung cấp nghề chiếm 25,3%, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên chiếm hơn 74%. Dự kiến đến năm 2020, Đà Nẵng cần hơn 600.000 lao động qua đào tạo, giai đoạn 2011-2015 thành phố cần đào tạo nghề cho khoảng gần 200.000 người.
PHƯƠNG TRÀ