.

Ngành Công nghiệp sẽ về đích?

.

Tính đến hết tháng 9, ngành Công nghiệp thành phố đạt giá trị sản xuất 11.088,9 tỷ đồng, bằng 66,8% kế hoạch, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp Trung ương đạt 4.506 tỷ đồng, đạt 64,4% kế hoạch, tăng 4,3% so với cùng kỳ; công nghiệp địa phương đạt 4.205 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.378 tỷ đồng, đạt 71,4% kế hoạch, tăng 20,2% so với cùng kỳ.

Công ty Điện tử Foster (doanh nghiệp FDI) là một trong những doanh nghiệp thu hút nhiều lao động nhất trong các khu công nghiệp.
Công ty Điện tử Foster (doanh nghiệp FDI) là một trong những doanh nghiệp thu hút nhiều lao động nhất trong các khu công nghiệp.

Tuy nhiên, có thể đây là năm đầu tiên ngành Công nghiệp khó có thể về đích với tốc độ tăng trưởng 2 con số như mọi năm. Về đầu tư, trong 9 tháng năm nay, rất ít các dự án mới được khởi công, trong khi đó nhiều dự án từ các năm cũ chuyển sang, do thiếu vốn, thiếu thị trường nên không được triển khai hoặc dừng lại. Ngành dệt-may mặc dù vẫn có đơn hàng và vẫn giữ được các thị trường truyền thống, tuy nhiên các đơn hàng ngày càng nhỏ đi. Một số đơn vị giữ được đơn hàng có điều kiện mở rộng sản xuất như Công ty CP Dệt-may 29-3 thì không tuyển được công nhân. Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, dự kiến năm nay tuyển thêm khoảng 450 công nhân để mở thêm một dây chuyền may và mở rộng các dây chuyền cũ, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ tuyển được trên 50% số công nhân dự tính. Các cơ sở dệt-may khác cũng rất khó tuyển công nhân. Công ty CP Sản xuất và Thương mại Hữu Nghị phải chuyển một bộ phận sản xuất về cơ sở 2 tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để dễ tuyển công nhân. Một số giám đốc cho biết, mục tiêu của năm 2012 là giữ mức sản lượng ổn định, hoặc tăng không đáng kể so với năm 2011. Điều này cho thấy, mức tăng của ngành dệt-may, da giày thành phố trong năm nay khó đạt được chỉ tiêu 15% như dự báo ban đầu. Những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tốc độ phát triển mạnh trong những năm trước đây như Công ty Điện tử Việt Hoa, Công ty Keyhinge Toys Việt Nam, Công ty Kad Industrial Việt Nam, Công ty Daiwa Việt Nam… đã dừng hoặc rất ít tuyển công nhân như mọi năm. Số các doanh nghiệp đăng ký mở rộng sản xuất, đăng ký thêm vốn đầu tư hầu như rất ít. Vốn vẫn là khó khăn trước mắt cũng như lâu dài của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp cho biết giữ ổn định về sản xuất, người lao động được như năm 2011 là mục tiêu chính.

Sự hỗ trợ của các ngành từ Trung ương đến địa phương đang có những động thái tích cực đối với doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp rất trông chờ vào kết quả thực thi việc bảo lãnh tín dụng của thành phố. Đồng thời niềm hy vọng của doanh nghiệp hiện nay là kết quả của công tác xúc tiến thương mại. Điều đáng mừng là các cuộc xúc tiến thương mại gần đây tập trung vào các nước lân cận trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar… mà từ lâu các doanh nghiệp không tính đến. Song một vấn đề mấu chốt để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phát triển vẫn phải trông chờ vào những chuyển biến tích cực từ thị trường thế giới, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Trong 7 nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Công thương đề ra cho quý 4 năm 2012 thì nhiệm vụ đáng quan tâm nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp là hoàn thành các đề án khuyến công và các chương trình xúc tiến thương mại năm 2012, đặc biệt tổ chức thành công “Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2012” và “Tháng bán hàng khuyến mãi” nhằm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH
 

;
.
.
.
.
.