Chuyển đổi ngành nghề, tạo lập phương kế mưu sinh mới sau quy hoạch, giải tỏa là thành quả nổi bật của nông dân quận Hải Châu khi không còn đất canh tác.
Nông dân phường Hòa Cường Bắc trồng hoa tại những khu đất chưa xây dựng. |
Trên địa bàn quận Hải Châu trước đây có nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện nay tất cả đều nằm trong diện quy hoạch, giải tỏa, phát triển đô thị. Trước tình hình đó, Hội Nông dân các cấp đã vận động hội viên chấp hành chủ trương giải tỏa của thành phố và tích cực hỗ trợ nông dân tạo việc làm mới. Từ năm 2007 đến nay, Quận Hội và các Hội cơ sở đã mở 98 lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển đổi ngành nghề, hướng dẫn nông dân mở các mô hình kinh tế vừa và nhỏ, phù hợp với điều kiện đô thị hóa; đồng thời tăng cường hoạt động hỗ trợ hội viên vay vốn ưu đãi, với tổng dư nợ đến nay gần 12 tỷ đồng.
Với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp Hội, nông dân Hải Châu đạt nhiều kết quả khả quan trên hành trình chuyển đổi nghề mới. Hội Nông dân quận và các phường đã liên hệ mượn các khu đất nằm trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng công trình cho nông dân trồng hoa - cây cảnh, không chỉ đem lại thu nhập cao mà còn làm sạch đẹp cảnh quan, môi trường. Điển hình như anh Nguyễn Quang Xí (ở phường Hòa Cường Bắc) canh tác hơn 2.000m2 đất cạnh đường Nguyễn Hữu Thọ thường xuyên có hoa bán vào dịp Tết Nguyên đán. Anh Xí đã áp dụng thành công tiến bộ kỹ thuật, làm cho hoa nở đẹp, đúng thời điểm. Và chỉ riêng vụ hoa Tết Nhâm Thìn 2012, anh có thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Sau quy hoạch, nhiều nông dân Hải Châu đã chuyển sang làm cây cảnh, non bộ và dịch vụ trang trí sân vườn, vừa tạo được cuộc sống mới khá giả, vừa góp phần điểm tô hương sắc, làm đẹp phố phường. Trên tuyến đường Lê Thanh Nghị, cạnh Trường THPT Nguyễn Hiền, bốn mùa rực rỡ các loại hoa tươi. Những người nông dân chân lấm tay bùn ngày nào bây giờ đã trở thành nghệ nhân hoa cảnh, sớm chiều miệt mài chăm chút từng bồn hoa, chậu cảnh. “Làm hoa - cây cảnh không nặng nhọc, nhưng cần phải giỏi kỹ thuật, có tâm huyết và trình độ thẩm mỹ, nó không tốn nhiều đất, nhưng đạt hiệu quả kinh tế cao”, ông Hứa Văn Doãn (ở phường Thanh Bình) chia sẻ.
Toàn quận hiện có hơn 100 hộ trồng hoa - cây cảnh, tổng thu nhập gần 15 tỷ đồng/năm, trong đó có nhiều người thuê đất ở các nơi khác để canh tác. Ông Nguyễn Văn Quý (ở phường Hòa Cường Nam) có cả “rừng hoa cảnh” trong khuôn viên Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và đã thành lập Công ty Văn Khoa, chuyên kinh doanh các dịch vụ hoa cảnh, với hơn 20 người có việc làm thường xuyên. Nhiều nông dân ở Hòa Cường Bắc mở cơ sở tiểu thủ công nghiệp, làm hương, làm nấm, đem lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như anh Dương Thanh Tuần mở xưởng cơ khí, chị Nguyễn Thị Cúc trồng nấm bào ngư, bà Trần Thị Thu Thủy thành lập cơ sở sản xuất nước rửa chén..., lãi ròng hằng tháng từ 10-20 triệu đồng/hộ.
Quận Hải Châu hiện có 1.617 hội viên nông dân và 734 hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Trong 5 năm 2007-2012, các cấp Hội đã vận động gần 250 triệu đồng, 380 ngày công, 9,3 tấn cây, con giống để hỗ trợ hội viên khó khăn và đã giúp 30 hộ thoát nghèo bền vững. |
Thực hiện chủ trương của Thành ủy về việc phát triển các mô hình hợp tác xã (HTX) nhỏ, Hội Nông dân phường Hòa Cường Bắc đã vận động thành lập HTX Bình An, chuyên cung cấp các loại giống hoa và vật tư nông nghiệp. Hội Nông dân phường Thuận Phước thành lập chi hội nghề nghiệp, với địa điểm giao dịch tại số 10B Ngô Chi Lan, quanh năm nhộn nhịp mua bán, trao đổi sinh vật cảnh. Ở phường Hòa Cường Nam, các mô hình nuôi cá lồng, trồng rau trong không gian hẹp, kết hoa, trang trí đám cưới, nấu cơm sinh viên... phát triển mạnh, tạo việc làm và cuộc sống ổn định cho hơn 60 hộ nông dân sau giải tỏa.
Từ phường Thanh Bình, ông Nguyễn Văn Ba đến xã miền núi Hòa Ninh, xây dựng trang trại nuôi gà lấy trứng quy mô lớn, mỗi ngày bán hơn 40.000 quả trứng, với thương hiệu “Trứng gà sạch Hòa Phú”. Đặc biệt, ông Lê Mến và ông Trần Ni đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng đóng tàu hậu cần nghề cá với công suất lớn, cung cấp nhiên liệu, lương thực và mua hải sản ngay tại ngư trường, giúp ngư dân có điều kiện đánh bắt dài ngày trên biển. Đây là hai chiếc tàu làm dịch vụ khai thác hải sản xa bờ đầu tiên ở Đà Nẵng và đã được UBND thành phố hỗ trợ 1,3 tỷ đồng. Toàn quận hiện có 145 tàu thuyền các loại, sản lượng đánh bắt mỗi năm trên 3.000 tấn. Nhiều tàu thuyền áp dụng kỹ thuật khai thác mới, đạt hiệu quả cao, cụ thể như tàu ông Nguyễn Văn Điều (Thuận Phước), mỗi chuyến biển từ 15-20 ngày, đạt doanh thu trên 200 triệu đồng...
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM