.

Oan cho cam Việt

.

Sáng 23-10, hàng chục tiểu thương chợ Đầu mối Hòa Cường gửi đơn đến Ban quản lý chợ với lý do phải làm rõ thông tin cam Vĩnh Long bị tẩy chay vì nghi ngờ là hàng Trung Quốc.

Tiểu thương phân biệt 2 loại cam trong nước và nhập khẩu. 			    Ảnh: DUYÊN ANH
Tiểu thương phân biệt 2 loại cam trong nước và nhập khẩu.                                           

Ế ẩm vì tin đồn

Chị Nguyễn Thị Thơi, trưởng ngành hàng trái cây, bức xúc nói: “Loại cam sành mà chúng tôi đang bán tại chợ có nguồn gốc từ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Trong khi đó, một số thông tin cho đó là loại cam sành của Trung Quốc. Đến nay, do nghi ngại về chất lượng, khách hàng không còn mua hàng của chúng tôi nữa, bởi vậy chợ trái cây ế ẩm quá. Buôn bán kiểu này lấy gì đóng thuế cho Nhà nước”. Và rồi chị Thơi đưa cho chúng tôi tờ đơn đứng tên tập thể tiểu thương ngành hàng trái cây chợ Đầu mối có đoạn viết: “Vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng phát sóng chương trình “Thị trường miền Trung - Tây Nguyên” lúc 21 giờ ngày 20-10-2012 có đưa tin cam sành Trung Quốc có giá từ 7 - 10 ngàn đồng bán tràn lan trên đường Tôn Đức Thắng và từ ngã ba Huế trở lên”. “Thông tin trên làm người buôn bán chúng tôi khốn đốn, vì không chỉ hàng nhập ngoại không tiêu thụ được mà ngay cả hàng trong nước cũng đứng khựng”, chị Thơi than phiền.

Chìa hóa đơn mua hàng từ nhà vườn Vĩnh Long ra, chị Lê Thị Tuyết, lô 20 ngành hàng trái cây, cho rằng: Những hộ bán cam ở vỉa hè khu vực ngã ba Huế đều lấy hàng từ chợ Đầu mối về bán. Do đặc thù của hàng rong nên người bán lẻ chỉ lấy loại cam có giá  từ 5 - 6 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, loại đẹp hơn giá từ 7 - 8 ngàn đồng/kg. Khi về bán lại, những người này thường chỉ lời 2 - 3 ngàn đồng/kg, bởi vậy mới có giá 7 - 10 ngàn đồng/kg. Qua việc nghi ngờ cam Trung Quốc, nhiều tiểu thương cho biết sức mua giảm chỉ còn 50% so với những tháng giữa năm. Chị Nguyễn Thị Thủy, chuyên hàng sỉ trái cây, cho hay bình thường chị bán ra khoảng 3 - 5 tấn hàng/ngày, nhưng hiện tại chỉ còn trên 2 tấn/ngày. Tuy vậy, sức mua ngày càng ảm đạm vì một số bạn hàng không lấy nữa. Một tiểu thương khẳng định: “Không phải vì khách hàng lo sợ hàng Trung Quốc mà chị em chúng tôi đoạn tuyệt hẳn với việc nhập trái cây, rau, củ. Thực tế, vẫn có nhiều người dân có nhu cầu sử dụng trái cây Trung Quốc có giấy chứng nhận rõ ràng. Khi bán ra, chúng tôi cũng ghi rõ trên thùng đây là hàng Việt Nam, đây là hàng Trung Quốc đàng hoàng. Tùy khách hàng lựa chọn, chứ chị em chúng tôi không nhập nhằng lừa dối khách hàng”.

Theo tìm hiểu, lượng hàng về chợ trong nửa tháng nay sụt giảm hẳn. Trong số các mặt hàng như cam, quýt, nho, táo, thanh long, hồng, xoài, hàng nội chiếm trên 70%, còn lại là hàng nhập ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan… Ông Nguyễn Công An, Phó BQL chợ Đầu mối Hòa Cường cho biết, qua kiểm tra hóa đơn nhập hàng hằng ngày của tiểu thương, số lượng hàng Trung Quốc chiếm rất ít tổng lượng hàng (chỉ khoảng 5%). Trung bình có từ 100 - 120 tấn trái cây về chợ/ngày, riêng cam miền Tây khoảng 40 tấn, song lượng hàng nhập về hiện nay đã giảm khoảng 30%.

Chị Thơi đem hóa đơn chứng minh nguồn gốc trái cây đưa về chợ.
Chị Thơi đem hóa đơn chứng minh nguồn gốc trái cây đưa về chợ.

Minh oan cho cam Việt

Cầm hai quả cam để phân biệt đâu là cam Trung Quốc, đâu là cam Vĩnh Long, chị Lê Thị Tuyết giải thích, thời điểm này, cam sành trong nước có nhiều giá khác nhau. Giá sỉ cao nhất từ 13-15 ngàn đồng/kg, thấp nhất chỉ 4-5 ngàn đồng/kg. Đó là lý do khiến người dân lo lắng vì sao giá cam từ 30-35 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 1/5 so với trước. Cam sành rớt giá “kinh khủng” là do các nhà vườn ở miền Tây được mùa. Từ tháng 9 đến tháng 12 đang rộ vụ cam, việc thu mua và tiêu thụ trong nước có phần chững lại, dẫn đến giá cam rẻ là điều bình thường. Đưa 2 quả cam: một xanh, một vàng, các chị nói: Cam Trung Quốc trái to, màu vàng, giá từ 30-40 ngàn đồng/kg. Trong khi đó cam Việt Nam trái từ nhỏ đến to, màu xanh, giá từ 7 - 20 ngàn đồng (trong vụ mùa) và có nhiều hạt. Nhiều tiểu thương đưa biên nhận xuất hàng 100% cam sành trong nước và cho cả số điện thoại của chủ vựa cam như: Tám Thương, Ba Tùng, Tùng Nỡ, Khánh Nhân... (đều ở tỉnh Vĩnh Long). Ông Nguyễn Văn Hinh, Đội phó Đội QLTT số 7, cho biết vừa qua, khi nghe thông tin lo ngại về việc cam Vĩnh Lòng bị nghi là cam Trung Quốc, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm hóa đơn chứng từ (biên lai xuất nhập hàng, bao bì, nhãn mác, tờ khai hải quan…) nhưng không phát hiện vi phạm nào.

Là cơ quan trực tiếp lấy mẫu rau, củ, quả tại chợ Đầu mối đi kiểm nghiệm chất lượng, khi nghe các tiểu thương trình bày bức xúc, ông Nguyễn Tứ,  Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản thành phố trấn an: “Gần đây, nhiều loại trái cây kém chất lượng của Trung Quốc đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Do vậy, sự hoài nghi của người tiêu dùng là hoàn toàn có cơ sở. Để “giải oan” cho uy tín của mình, bản thân các tiểu thương phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng mình bán ra. Hộ kinh doanh cần có sổ ghi chép để khi gặp sự cố còn có bằng chứng tin tưởng đối với người tiêu dùng”.

Trước thông tin khiến người mua và người bán đều lo lắng, bà con tiểu thương mong muốn cơ quan chức năng làm thế nào để giúp minh oan cho cam trong nước, đồng thời giúp tiểu thương lấy lại uy tín với khách hàng.

Bài và ảnh: DUYÊN ANH
 

;
.
.
.
.
.