.
QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

5 năm phát triển

.

Ngày 9-10-2007, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng được chính thức thành lập theo Quyết định của UBND thành phố. 5 năm là thời gian rất ngắn, nhưng Quỹ đạt được những kết quả quan trọng, là địa chỉ tin cậy của các doanh nghiệp và các đơn vị hoạt động sản xuất-kinh doanh của thành phố.

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng đầu tiên của Quỹ với Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước.
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng đầu tiên của Quỹ với Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước.

Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 1399/QĐ-UBND ngày 9-10-2007 của UBND thành phố Đà Nẵng là một tổ chức tài chính Nhà nước địa phương với chức năng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp, cho vay hoặc tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp. Với nguồn vốn điều lệ 200 tỷ đồng do ngân sách thành phố cấp để hoạt động theo quy định tại Nghị định số 138/NĐ-CP ngày 27-11-2007 của Chính phủ, vượt qua khó khăn ban đầu với cán bộ mới chỉ 8 người, Quỹ đã tập trung triển khai ngay việc tìm kiếm các dự án đầu tư và xây dựng các quy chế nghiệp vụ. Ngay tại lễ ra mắt ngày 22-1-2008, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng đã ký kết hợp đồng tín dụng đầu tiên với tổng giá trị là 32,5 tỷ đồng.

Qua 5 năm hoạt động, tổng số các dự án cho vay của Quỹ đến nay là 35 dự án, trong đó có 14 dự án về nhà ở xã hội, hạ tầng giao thông, KCN, KDC, Khu TĐC; 11 dự án trong lĩnh vực hạ tầng y tế, giáo dục, môi trường; 4 dự án về cấp nước sạch và 6 dự án trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng khác. Tổng giá trị các hợp đồng tín dụng đã ký kết là 447,5 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 371 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ đã được ngân sách tạm ứng để hỗ trợ cho 45 lượt doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, dệt-may, sản xuất công nghiệp và một số mặt hàng bình ổn giá vay vốn để ổn định sản xuất theo chủ trương của UBND thành phố về thực hiện các giải pháp kích cầu của Chính phủ với tổng số tiền đã giải ngân là 160,5 tỷ đồng. Doanh thu bình quân hằng năm của Quỹ đạt trên 30 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 15 tỷ đồng và được bổ sung tăng nguồn vốn hoạt động hằng năm. Tính đến 30-6-2012, tổng vốn hoạt động của Quỹ đã tăng lên 456 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ chiếm 69%, vốn huy động chiếm 12,2%.

Bên cạnh đó, công tác huy động vốn ngoài ngân sách đã được Quỹ chú trọng và xác định là công cụ quan trọng trong chiến lược phát triển hoạt động của Quỹ để thu hút vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội của thành phố. Từ năm 2010, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng đã huy động được 2 nguồn vốn để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng của thành phố gồm nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho các Quỹ địa phương thông qua Bộ Tài chính với tổng vốn là 185 triệu USD và khoản tín dụng của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) dành cho Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng 10 triệu Euro. Hiện tại đã có 5 dự án được sử dụng nguồn vốn huy động của WB, AFD với số tiền khoảng 254 tỷ đồng như: Khu chung cư Đại Địa Bảo (60 tỷ), Trường Cao đẳng Nguyễn Văn Trỗi (25 tỷ), Trường mầm non Bé Hạnh phúc (18 tỷ), Trường mầm non 29-3 (16 tỷ), dự án di dời Xí nghiệp Săm lốp ô-tô của Công ty CP Cao Su Đà Nẵng (70 tỷ)... và Quỹ đang tiếp tục xem xét các dự án để được tài trợ vốn từ các nguồn vốn này.

Có thể nói, sau 5 năm thành lập Quỹ Đầu tư phát triển đã dần khẳng định được uy tín hoạt động, có tầm ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và đã được lãnh đạo thành phố tin tưởng giao một số nhiệm vụ quan trọng khác như Quỹ phát triển đất, quản lý tài sản Khu ký túc xá sinh viên tập trung, các khoản góp vốn liên doanh của thành phố, hoặc đầu tư vào một số công trình trọng điểm cấp thiết của thành phố... nhờ đó quy mô hoạt động của Quỹ ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả hơn.

Với mục tiêu phấn đấu trở thành một tổ chức tài chính mạnh và chuyên nghiệp hóa cao, trong thời gian đến, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng xác định rõ vai trò chiến lược của Quỹ trong việc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, và cũng chính là động lực để thúc đẩy sự năng động tự chủ của Quỹ.

Thứ nhất: Cần chú trọng đẩy mạnh các hoạt động thu hút, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia vào các dự án đầu tư của Quỹ như huy động vốn dưới hình thức đồng tài trợ đầu tư hoặc cho vay đối với dự án; tham gia sáng lập các công ty cổ phần để huy động vốn thực hiện các dự án theo mục tiêu của Quỹ. Để từng bước nâng cao khả năng tự chủ về nguồn vốn, nghiên cứu đề xuất lộ trình phát hành trái phiếu huy động vốn dưới các hình thức như trái phiếu chính quyền đô thị, trái phiếu công trình… phù hợp với nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố.

Thứ hai: Tập trung mọi nguồn lực để khai thác tối đa nguồn vốn của WB, AFD mà Quỹ đang thực hiện và tiếp tục xúc tiến để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, dài hạn của các tổ chức tài chính nước ngoài khác như JICA (Nhật Bản), ADB, SIDA (Thụy Điển)... để tăng nguồn vốn hoạt động của Quỹ, phấn đấu đến năm 2015, nguồn vốn hoạt động của Quỹ đạt từ 1.000 tỷ đồng trở lên.

Thứ ba: Mở rộng đối tượng cho vay đối với một số dự án thuộc lĩnh vực quan trọng, cấp thiết của thành phố, tăng quy mô cho vay và mở rộng cho nhiều đối tượng khách hàng. Thường xuyên công khai, minh bạch các thông tin về đối tượng cho vay, lãi suất cho vay và điều kiện vay vốn thông qua các cơ quan truyền thông để thu hút các nhà đầu tư quan tâm tham gia.

Chú trọng đẩy nhanh hình thức đầu tư trực tiếp với phương thức đầu tư ngày càng đa dạng hơn như làm chủ đầu tư (hoặc đồng chủ đầu tư) đối với dự án, tham gia sáng lập các tổ chức kinh tế để thực hiện các mục tiêu đầu tư hoặc quản lý các hoạt động đầu tư của Quỹ, nhất là dự án đầu tư theo hình thức PPP, BTO, BT, BOT…

Thứ tư: Đa dạng các hình thức tuyên truyền, quảng bá hoạt động của Quỹ để từng bước nâng cao vị thế của Quỹ trong thành phố, cả nước cũng như đối với các đối tác nước ngoài. Đồng thời, chủ động đẩy mạnh công tác tiếp xúc, tìm kiếm dự án, hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục cũng như nâng cao chất lượng tư vấn xây dựng, triển khai các dự án đầu tư. Hướng thực hiện theo tư duy “phục vụ thị trường”.

Thứ năm: Tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ Quỹ có tính hệ thống và dài hạn, bảo đảm xây dựng được một lực lượng cán bộ có trình độ, năng lực đảm trách được các nhiệm vụ đa dạng của Quỹ. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy trình hoạt động gọn nhẹ, chặt chẽ, tạo thuận lợi cho việc triển khai hoạt động của Quỹ, nhất là hoạt động cho vay.

Qua bước đường chưa dài, vai trò hoạt động của Quỹ chỉ mới là bước đầu thực hiện nhiệm vụ, còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu bổ sung và nỗ lực nhiều hơn nữa. Song với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, sự hỗ trợ của các sở, ngành đối với hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển là một động lực quan trọng để hoạt động của Quỹ tăng trưởng nhanh chóng và khẳng định một cách mạnh mẽ vai trò của Quỹ trong sự phát triển của thành phố nói chung và là công cụ tài chính quan trọng để phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng thành phố trong tương lai.

HỒNG THY

;
.
.
.
.
.