.

Thiếu lao động phổ thông

.

Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng “đỏ mắt” tìm lao động nhưng vẫn không tuyển đủ.

Công nhân may đang “đắt giá” bởi nguồn cung thiếu trầm trọng.
Công nhân may đang “đắt giá” bởi nguồn cung thiếu trầm trọng.

Lao động phổ thông “đắt giá”

Sáng 30-9, tại sàn giao dịch việc làm ở Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng, hơn 50 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với số lượng hơn 5.000 lao động, trong đó có gần 4.000 chỉ tiêu là lao động phổ thông; hơn 900 chỉ tiêu công nhân kỹ thuật; hơn 100 chỉ tiêu trung cấp, 65 chỉ tiêu có trình độ CĐ, ĐH chỉ có 35 người.

Chờ lao động đăng ký gần hết ngày mà vẫn không đủ số lượng cần tuyển, đại diện Công ty CP Keyhinge Toys Việt Nam (đóng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh) than thở: “Tuyển lao động bây giờ rất khó. Phần lớn các em hiện nay có trình độ trung cấp cũng muốn làm công việc văn phòng nhàn hạ. Ngay lao động phổ thông không có trình độ, bằng cấp cũng đặt ra yêu cầu cao về mức lương và chế độ đãi ngộ với nhà tuyển dụng”. Công ty này cần tuyển hơn 1.000 lao động gồm công nhân may và lao động phổ thông.

Tại nhiều bàn tuyển dụng, nhiều đơn vị đăng bảng tuyển hàng trăm lao động phổ thông như: Công ty Yonezawa cần tuyển 702 công nhân, Công ty Mabuchi Motor tuyển 500 công nhân, Công ty may Hữu Nghị cần 500 công nhân, Công ty TNHH Con Đường Xanh tuyển 200 công nhân may... Hầu hết các nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn chủ yếu ở các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực cần nhiều nhân công là dệt-may... “Công ty của chúng tôi đã đăng tin tuyển dụng tại nhiều phiên giao dịch việc làm Đà Nẵng. Tuy nhiên, số lượng lao động tuyển được chẳng đáng là bao so với nhu cầu, thậm chí có khi chỉ được vài chục người”, một cán bộ nhân sự của một công ty dệt-may cho biết.

Tham dự buổi tuyển dụng vừa qua, Lê Thị Na (24 tuổi, ở quận Sơn Trà) bày tỏ: “Em nghỉ học ở nhà mấy năm nay phụ ba mẹ buôn bán, bây giờ muốn kiếm việc nào để có ít tiền làm vốn riêng. Em đang chọn lựa xem chỗ nào lương cao để đăng ký”.

Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng cho biết, trước tình hình kinh tế khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm tuy giảm hơn so với những năm trước, nhưng thực tế cho thấy số lượng doanh nghiệp cần nguồn lao động phổ thông, công nhân sản xuất qua các phiên giao dịch việc làm lại không hề nhỏ, thậm chí chiếm đến 80 - 90% tổng nhu cầu tuyển dụng mỗi phiên.

Lương không hấp dẫn

Nguyên nhân dễ thấy nhất khi các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dệt-may khó “hút” được lao động là do mức lương không hấp dẫn, trung bình chỉ khoảng từ 2-3 triệu đồng/ người/tháng. “Nhiều công nhân đi làm tối ngày, cường độ làm việc vất vả nhưng lương thấp, không còn thời gian riêng nên mình ngại, không muốn làm. Có thể em sẽ ứng tuyển vào vị trí điện thoại viên”, Nguyễn Thị Hà (22 tuổi, quê ở Quảng Nam) bộc bạch. Còn Nguyễn Văn Nam (23 tuổi, quê ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cho rằng tìm công việc bán thời gian vừa có tiền, lại vừa có thời gian đi học thêm một nghề nào đó thì sau này mới ổn định lâu dài được, chứ vào làm ở các khu công nghiệp tuy dễ hơn nhưng cơ hội phát triển không nhiều.

Song, bên cạnh các doanh nghiệp khó tuyển, vẫn có một số đơn vị vừa đăng bảng tuyển dụng, số hồ sơ nộp vào đã quá nhu cầu. Chẳng hạn, Công ty điện tử Foster Đà Nẵng với số lượng cần tuyển khi nào cũng từ vài trăm đến cả ngàn lao động nhưng vẫn tuyển đủ. “Không thể chỉ trách thị trường thiếu nguồn cung lao động phổ thông mà các doanh nghiệp cũng phải tự nhìn lại mình. Mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống trong khi công việc nặng nhọc, không có điều kiện thăng tiến thì người lao động không mặn mà cũng là điều dễ hiểu”, ông Nguyễn Đức Trí nhìn nhận.

Nhiều lao động còn cho rằng, bên cạnh mức lương chưa hấp dẫn, môi trường làm việc cũng là điều quan trọng. “Dù mức lương chỉ vừa đủ sống, nhưng nếu môi trường làm việc dễ chịu, lãnh đạo doanh nghiệp biết quan tâm, chia sẻ khó khăn với người lao động, có nhiều chế độ khen thưởng, động viên kịp thời thì người lao động vẫn muốn gắn bó với đơn vị”, một công nhân ở công ty điện tử đóng tại quận Liên Chiểu nói.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.