Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức của các tổ chức và công dân. Thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất, nhằm thể chế hóa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đất đai trong điều kiện thực tiễn của Đà Nẵng.
Gần 4.000 dự án đầu tư phát triển đô thị đều thực hiện thu hồi đất đúng luật, giao đất sạch cho chủ dự án và được nhân dân đồng thuận. Trong ảnh: Dự án khu đô thị Danang Riverside do Sun Group đầu tư ngay tại trung tâm thành phố được nhận đất sạch để thực hiện dự án. |
Bài 1: Bám thực tiễn để thực hiện Luật có hiệu quả
“Hiện tượng Đà Nẵng” gắn liền với việc đầu tư phát triển đô thị nhưng chính việc quản lý và sử dụng đất thực sự có hiệu quả đã tạo ra nền tảng cho thành phố Đà Nẵng phát triển. Ngày 10-12-2010, tại Hội nghị tổng kết thực hiện Luật Đất đai 2003 toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định “Đà Nẵng phải là khâu đột phá, nhằm hướng dẫn thi hành và đưa Luật Đất đai vào cuộc sống. Từ đó, coi đây là mô hình điểm cần nhân rộng ra các địa phương cả nước”.
Ở Đà Nẵng, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện nghiêm túc và ngày càng hoàn thiện để làm công cụ pháp lý quản lý đất đai, sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả. Việc giao đất, cho thuê đất đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực bất động sản được thực hiện bảo đảm quy trình, đã đáp ứng yêu cầu phát triển các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại theo quy hoạch của thành phố. Đặc biệt, thành phố đã chỉ đạo khá chặt chẽ, đồng bộ việc thực hiện chính sách tài chính về đất đai, chủ trương không thực hiện việc “đổi đất lấy hạ tầng” mà thực hiện chủ trương khai thác quỹ đất tạo nguồn thu ngân sách, từ đó đầu tư phát triển hạ tầng. Đối với việc thu hồi đất phục vụ chỉnh trang đô thị, mở đường, thành phố thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân tự nguyện hiến đất, Nhà nước chỉ bồi thường vật kiến trúc trên đất mà không bồi thường đất bị thu hồi. Đây là cách làm mới, sáng tạo của Đà Nẵng, được người dân ủng hộ, góp phần vào chỉnh trang đô thị hiện đại, văn minh. Chính quyền thành phố chịu trách nhiệm tổ chức giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư. Nhờ vậy, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực hiện thống nhất theo trình tự và công khai trước nhân dân, hạn chế tối đa tình trạng tiêu cực xảy ra. Về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ngoài các chính sách chung được quy định, thành phố cũng đã có những vận dụng cụ thể phù hợp với tình hình sử dụng đất thực tế tại địa phương, tập quán sinh sống của người dân để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên cơ sở bảo đảm sự công bằng, khách quan và có tính chất động viên, khuyến khích người bị thu hồi đất nhanh chóng thực hiện giải tỏa bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
Thành phố Đà Nẵng có tổng diện tích tự nhiên 128.543ha. Đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát, đo đạc và lập bản đồ địa chính ban đầu ở các loại tỷ lệ từ năm 1996. Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997) đến nay, Đà Nẵng đã thực hiện việc thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất để triển khai hơn 1.390 dự án với tổng diện tích hơn 17.500ha, trong đó có 207 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 3,12 tỷ USD; chuyển mục đích trên 500ha đất quốc phòng để thực hiện hơn 150 dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, hơn 95.000 hộ dân đã giải tỏa, di dời đất đai, nhà ở để cùng với chính quyền quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Từ năm 2003 đến nay, nguồn thu từ đất của thành phố khoảng trên 20.000 tỷ đồng, phục vụ kịp thời cho đầu tư phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, còn cho nhân dân trả chậm tiền sử dụng đất khoảng 6.845 tỷ đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân có đất bị thu hồi ổn định cuộc sống mới sau giải tỏa.
Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đối với đất sản xuất nông nghiệp và đất ở tại các quận, huyện đạt trên 95% diện tích đất cần cấp giấy chứng nhận. Thành phố đã tiến hành 174 cuộc thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất và chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, qua đó đã kiến nghị thu hồi hơn 82.000m2 đất, ban hành 53 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 206 triệu đồng. Đã giải quyết 1.699/1.729 đơn thuộc thẩm quyền về tranh chấp đất đai (đạt 98,88%), 972/998 đơn khiếu nại (đạt 97,40%), 19/19 đơn tố cáo (đạt 100%) và 52/52 đơn đòi lại đất cũ (đạt 100%). “Những kết quả đạt được trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai của Đà Nẵng đã được Trung ương ghi nhận và đánh giá tốt, trong đó việc vận dụng, triển khai một cách sáng tạo và có hiệu quả công tác quy hoạch và sử dụng đất đai, thực hiện thành công phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được xem là mô hình điểm cần nhân rộng ra các địa phương trong cả nước”, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường nói.
Ngày 27-7-2012, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) liên quan đến đất đai tại thành phố Đà Nẵng đánh giá Đà Nẵng đã thực hiện tốt pháp luật về KNTC liên quan đến đất đai kể từ khi triển khai Luật Đất đai 2003 đến nay, không để xảy ra điểm nóng, giữ vững ổn định trật tự xã hội. Đã ban hành 412 quyết định giải quyết KNTC của công dân trong lĩnh vực đất đai. So với 90.000 quyết định hành chính thu hồi đất để phục vụ công tác phát triển hạ tầng đô thị thì tỷ lệ KNTC về đất đai rất thấp. Nguyên nhân dẫn đến KNTC đối với các quyết định hành chính về đất đai là do chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, còn bất cập. Các quy định của Nhà nước về đền bù, tái định cư, hỗ trợ khi thu hồi đất có nhiều điểm chưa hợp lý. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân đòi hỏi, yêu cầu quá đáng. Về nguyên nhân chủ quan, do các đơn vị, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ có sai sót trong kiểm định, đền bù, bố trí tái định cư. Mặt khác, một số dự án triển khai kéo dài nhiều năm, việc đền bù giải tỏa không được giải quyết dứt điểm tại thời điểm thu hồi đất, dẫn đến công dân khiếu kiện. Công tác giải quyết KNTC về đất đai của công dân đúng trình tự, thủ tục, thấu tình, đạt lý. Các cấp chính quyền chú trọng giải quyết KNTC thông qua đối thoại trực tiếp, phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể vận động, thuyết phục, hòa giải ngay từ khi phát sinh KNTC ở cơ sở. Tỷ lệ đơn khởi kiện án hành chính rất thấp, 100% trường hợp bị tòa án các cấp bác đơn và khẳng định quyết định của UBND thành phố là đúng quy định pháp luật.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: TRIỆU VĂN TÙNG