.
Thực hiện Luật Đất đai 2003

Hiệu quả và có nhiều đột phá - Bài 2: Đổi mới và đột phá

.

Với Đà Nẵng, đổi mới công tác quản lý và sử dụng đất vẫn là nhiệm vụ cấp bách. Đảng bộ, chính quyền thành phố coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị.

Người dân tiếp cận thuận lợi các chủ trương, chính sách và bảo đảm quyền lợi khi thu hồi đất, đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư.
Người dân tiếp cận thuận lợi các chủ trương, chính sách và bảo đảm quyền lợi khi thu hồi đất, đền bù giải tỏa và bố trí tái định cư.

Tại Đà Nẵng, những vướng mắc thường gặp trong quá trình thụ lý giải quyết KNTC chính là sự bất cập và mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan. Đó là mâu thuẫn giữa Khoản 2, Điều 50 Luật Đất đai với Khoản 2, Điều 689 Bộ luật Dân sự. Do đó, cần sửa Luật Đất đai theo hướng thống nhất các giao dịch đất đai phải được công chứng hoặc được UBND cấp có thẩm quyền chứng thực. Không công nhận tính hợp pháp của các giao dịch chưa hoàn thiện nhằm tránh tiêu cực trong việc ký xác nhận của chính quyền, gây thất thoát nguồn thu của Nhà nước. Từ sự mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo cho thấy cần phải sửa Luật Đất đai theo hướng: Người khiếu nại nếu không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần thứ hai thì có quyền kiện ra tòa án hành chính. Các giao dịch liên quan đến đất đai phải có chứng nhận của tổ chức hành nghề công chứng. Hệ thống pháp luật chưa quy định rõ thẩm quyền thụ lý giải quyết giữa các cơ quan hành chính với hệ  thống tòa án nhân dân. Luật Đất đai và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quy định về trình tự giải quyết khiếu nại, tranh chấp. Việc quy định ủy quyền theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo phạm vi quá rộng đã tạo điều kiện cho một số phần tử lợi dụng để kích động khiếu nại thuê.

Trên cơ sở pháp luật, Đà Nẵng đang chủ động thực hiện công tác quản lý và sử dụng đất với nhiều giải pháp có tính đột phá. Theo đó, tập trung nâng cao chất lượng xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, cải cách thủ tục hành chính về đất đai. UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức rà soát và công bố hằng năm các Đồ án Quy hoạch xây dựng, nhằm kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với thực tế. Các đơn vị thực hiện giao đất có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chức năng để đo đạc chính xác diện tích thửa đất trước khi thực hiện thủ tục giao đất có thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho người sử dụng đất theo quy hoạch của thành phố.

Bên cạnh đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là GCN) cho các tổ chức, doanh nghiệp, kể cả các đơn vị được giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền hằng năm. Theo đó, thời gian thực hiện việc cấp GCN quy về một đầu mối và tối đa không quá 15 ngày làm việc; thời gian thực hiện việc cấp đổi GCN tối đa không quá 7 ngày làm việc. Kiện toàn bộ máy quản lý để hình thành Chi cục Quản lý đất đai trực thuộc Sở TN-MT.

UBND thành phố cũng giao UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát lại GCN đã cấp mà mục đích sử dụng đất ghi không đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hoặc GCN đã cấp có nội dung không đúng với quy định của pháp luật thì thu hồi, hủy bỏ GCN đã cấp và xem xét, cấp lại GCN theo đúng quy định của pháp luật. Giao Cục Thuế chỉ đạo các Chi cục Thuế và đơn vị liên quan kiểm tra các trường hợp chuyển quyền sử dụng đất đối với đất phi nông nghiệp, nếu người sử dụng đất chưa thực hiện nghĩa vụ thuế sử dụng đất hằng năm thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đất hằng năm đối với Nhà nước. Đồng thời, Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan không cho phép dùng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất “3 lá” - hồ sơ nhà đất do UBND các xã, phường ký xác nhận - để chuyển nhượng đất nghĩa địa, đất hoang, đất nông nghiệp do UBND phường, xã quản lý, đất chưa được cấp GCN hoặc đất chưa có quyết định giao đất của UBND cấp có thẩm quyền; quản lý chặt chẽ, không cho phép chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Về việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư sang đất ở, nếu không ảnh hưởng quy hoạch thì UBND các quận, huyện tập hợp hồ sơ, đề xuất giá đất chuyển mục đích sử dụng đất, báo cáo Hội đồng thẩm định giá đất thành phố thẩm định, trình UBND thành phố xem xét, quyết định.

Giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện nội dung Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 26-3-2012 của UBND thành phố về việc quy định diện tích đất tối thiểu để tách thửa đối với loại đất ở trên địa bàn thành phố. Đối với các thửa đất sau khi giải tỏa thu hồi đất mà diện tích còn lại dưới 40m2, đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện thu hồi đi hẳn và ưu tiên giao đất có thu tiền sử dụng đất cho người sử dụng đất liền kề để hợp thửa đất nhằm bảo đảm cảnh quan đô thị. Giao Chủ tịch UBND quận, huyện trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch UBND các phường, xã, Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện và đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để việc lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép trên địa bàn. Chủ tịch UBND các phường, xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, huyện nếu để xảy ra lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép và Chủ tịch UBND quận, huyện liên đới chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố. Giao Chủ tịch UBND các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch UBND các phường, xã thực hiện nghiêm túc việc ký xác nhận hồ sơ, giấy tờ nhà đất; trường hợp địa phương nào để xảy ra tình trạng ký xác nhận hồ sơ giấy tờ nhà đất lùi thời gian hoặc xác nhận không đúng với nguồn gốc đất thì Chủ tịch UBND phường, xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, huyện. Chủ tịch UBND các quận, huyện, các đơn vị thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư không giải quyết thủ tục bồi thường đất ở và bố trí tái định cư cho trường hợp dùng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất “3 lá” để chuyển nhượng đất nghĩa địa, đất hoang, đất nông nghiệp do UBND phường, xã quản lý, đất chưa được cấp GCN hoặc đất chưa có quyết định giao đất của UBND cấp có thẩm quyền.

Trước mắt, công tác quản lý và sử dụng đất nhanh chóng được lập bản đồ số hóa với việc quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết tình hình sử dụng đất. Bước đột phá trong việc cấp GCN được thống nhất triển khai theo phương án quy về một đầu mối tại Sở TN-MT với nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, đo đạc thực tế... sau đó chuyển đến UBND thành phố ký cấp. Việc cấp sổ đỏ phải phân loại đất, mục đích sử dụng để quản lý. Việc tách thửa xem xét theo nhu cầu và điều kiện thực tế của người dân nhưng linh hoạt và không để xảy ra tình trạng tách thửa quá nhỏ gây nên tình trạng xây dựng nhà ở siêu mỏng, siêu méo; ngăn chặn tình trạng tách thửa để trục lợi về chính sách đền bù giải tỏa. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định về đền bù, giải tỏa và tái định cư. Khi thực hiện quy hoạch giải tỏa phải có ngay phương án tái định cư trên cơ sở giải tỏa ở đâu, bố trí tái định cư ở đó. Xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp không bố trí đất tái định cư sau giải tỏa. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện công khai do UBND thành phố quyết định. Đất chuyển mục đích sử dụng thì công khai đấu giá thu tiền sử dụng đất.

Bài và ảnh: TRIỆU VĂN TÙNG

;
.
.
.
.
.