.

Để hàng Việt đến với người Việt

.

Với nhiều hoạt động tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như tổ chức các phiên chợ hàng Việt, phiên chợ công nhân, Tuần lễ hàng Việt..., qua đó đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng ở nông thôn, ngoại thành và các khu công nghiệp, với sự hỗ trợ và phát động của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Trung tâm Thông tin Xúc tiến thương mại Đà Nẵng là đơn vị duy nhất của thành phố được đề nghị tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương năm 2012.

Lãnh đạo thành phố thăm gian hàng gốm COSANY thuộc Tổng Công ty Xây dựng miền Trung (đơn vị sản xuất hàng mang thương hiệu Việt).  (Ảnh do Trung tâm Thông tin Xúc tiến thương mại Đà Nẵng cung cấp)
Lãnh đạo thành phố thăm gian hàng gốm COSANY thuộc Tổng Công ty Xây dựng miền Trung (đơn vị sản xuất hàng mang thương hiệu Việt). (Ảnh do Trung tâm Thông tin Xúc tiến thương mại Đà Nẵng cung cấp)

Qua 3 năm triển khai Cuộc vận động (2009-2012), Trung tâm Thông tin Xúc tiến thương mại Đà Nẵng đã tổ chức 19 phiên chợ hàng Việt. Các mặt hàng sản xuất trong nước và các sản phẩm chủ lực của thành phố được giới thiệu tới người tiêu dùng gồm: nước uống đóng chai, thực phẩm đóng hộp, nước mắm, giày dép, áo quần thời trang, đồ điện tử, xà phòng, kem đánh răng, nước rửa chén, nước xả vải, mì ăn liền, dầu ăn...

Ông Hứa Tự Anh, Giám đốc Trung tâm, đã có những chia sẻ về quá trình thực hiện chương trình; đồng thời đề xuất những giải pháp để Cuộc vận động ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

* Thưa ông, tổng cộng 19 phiên chợ hàng Việt sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phải là con số tạm hài lòng?

- Dù anh em đã nỗ lực đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng trong nước, cụ thể là đến với người dân thuộc khu vực ngoại thành, nhưng phải nói số lượng phiên chợ được tổ chức vẫn còn ít so với thị trường nông thôn rất rộng lớn và đầy tiềm năng như hiện nay.

Lý do dẫn đến sự hạn chế này một phần do nguồn kinh phí thực hiện quá khiêm tốn. Nói thật là doanh nghiệp tham gia các phiên chợ chủ yếu lấy “lời thương hiệu”, còn lại lỗ chi phí, bởi phần lớn hàng bán trong những dịp này đều phải giảm giá, nhiều khuyến mãi, người dân đi xem vẫn nhiều hơn đi mua. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải đồng hành cùng ban tổ chức trong việc lo chi phí văn nghệ, chương trình trò chơi, an ninh trật tự. Thế nên, chỉ có những doanh nghiệp lớn mới gắn bó với chương trình, còn các doanh nghiệp nhỏ phải thu lời trước mắt mới có động lực tham gia. Chúng tôi ước sao ban tổ chức có nhiều tiền để doanh nghiệp không phải đóng góp kinh phí khi tham gia phiên chợ hàng Việt.

* Ngoài vấn đề kinh phí, trong thời gian đến, làm thế nào để cuộc vận động ngày càng đạt hiệu quả tốt hơn?

- Chúng ta phải tiếp tục duy trì các phiên chợ hàng Việt ở ngoại thành, đồng thời cần sự phối hợp của nhiều ngành và đơn vị trên địa bàn thành phố, chứ không chỉ để riêng Sở Công thương đảm nhiệm như hiện nay. Chẳng hạn, ngành Văn hóa - Thông tin lo khâu tuyên truyền, vận động, cổ động; các địa phương hỗ trợ lực lượng bảo vệ, an ninh trật tự, chương trình văn nghệ quần chúng...

Trung tâm cũng đang triển khai chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp như Big C, Co.op Mart và Vissan với các hộ sản xuất nông sản tại huyện Hòa Vang để cam kết sử dụng nguồn nguyên liệu, hàng hóa chất lượng của địa phương.

* Xin cảm ơn ông!

THU HOA thực hiện

;
.
.
.
.
.