Lo sợ thực phẩm không an toàn, nhiều người dân đổ xô đi tìm mua đồ quê khiến mặt hàng này ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ.
Gánh hàng của bà Nguyễn Thị Ba trên đường Phạm Phú Thứ nổi tiếng với những thứ đồ quê. |
Đắt như tôm tươi
Mới sáng sớm, ngay khúc cua của hẻm H14/42 Lê Đình Thám (bên hông chợ Mới) đã đông nghịt người chen lấn mua đồ. Đây là địa chỉ quen thuộc đối với những bà nội trợ có sở thích mua đồ quê. Sau một hồi chen lấn mướt mồ hôi, chị Nguyễn Thị Thìn (39 tuổi, đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) khoe mớ cá lóc đồng vừa mua được và không quên “quảng cáo”: “Hàng của mấy người ngồi góc này là đồ quê thứ thiệt đó em!”.
Cũng có sở thích “nghiện” đồ quê như chị Thìn, dù nhà ở đường Núi Thành (quận Hải Châu) nhưng cứ 2-3 ngày, chị Lưu Thị Thanh Thủy (35 tuổi) lại đến chợ Hòa Hải (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) tìm mua thực phẩm cho gia đình. Theo chị Thủy, chợ này có nhiều đồ quê để lựa chọn, giá cả lại phải chăng, giúp tiết kiệm được khoản lớn tiền chợ hằng tháng.
Khác với các khu vực nông thôn, đồ quê khi lên phố, giá được đẩy lên cao hơn gấp nhiều lần. Nhưng dù ở mức nào thì nhiều người dân vẫn chấp nhận mở hầu bao vì cảm giác yên tâm về chất lượng. Vô hình trung, không cần quảng cáo hay niêm yết giá, đồ quê trở thành “thương hiệu” có uy tín. Theo kinh nghiệm của những người lớn tuổi, đồ quê thường có một vài đặc điểm nhận dạng riêng biệt như: các loại rau xanh không quá xanh mướt; thậm chí với một số loại củ, quả như mướp đắng, cà, đậu bắp, đu đủ, bầu, mướp ngọt... thì càng cong queo càng tốt. Đặc biệt, đồ quê không bày bán tràn lan, mà chỉ ở một vài địa điểm và người bán cụ thể. “Đồ quê thật bây giờ ít lắm. Nếu là hàng của người dân quê chính gốc đem đi bán thì giá rất rẻ. Tuy nhiên, do người đi buôn mua về bán lại nên đắt gấp 4-5 lần, vậy mà không bao giờ ế vì cứ nghe đồ quê là người ta giành mua hết”, chị Lê Thị Thanh (50 tuổi, tiểu thương ở chợ Mới) nói.
Là người bán đồ quê “nổi tiếng” ở đường Phạm Phú Thứ, bà Nguyễn Thị Ba cho biết, mỗi ngày đi lùng hết cả khu vực Túy Loan, Non Nước chỉ mua được vài con gà, con lươn, ếch đồng, mớ rau. Nhiều hôm muốn mua hàng, khách phải đặt cọc tiền trước 2-3 ngày mới có. Hàng ít nhưng hôm nào cũng bán hết sạch. Có một thực tế là ngày càng có nhiều phụ nữ thích đi chợ cóc, chợ xép hơn các chợ lớn vì tiện lợi lại dễ dàng tìm mua được những sản phẩm từ quê.
Thật, giả lẫn lộn
Tuy nhiên, cũng vì tâm lý chuộng đồ quê khiến nhiều người dân dễ bị mắc lừa. Thực tế, có không ít tiểu thương ở các chợ (chủ yếu buôn bán mặt hàng rau, củ, quả, cá, tôm…) luôn quảng cáo mình bán đồ quê để kéo khách, thậm chí nâng giá. “Người bán ở chợ phần lớn lấy hàng từ chợ Đầu mối về chứ mấy ai có đồ quê mà bán. Đồ quê thật thì lúc nhiều mỗi mặt hàng chỉ được vài ba ký. Có những người ngày nào cũng tìm mua ít đồ quê trộn lẫn với hàng lấy từ chợ Đầu mối rồi đem bán. Giá cả cao hơn mặt bằng chung một chút vì vẫn mang tiếng là... đồ quê”, chị Lê Thị Thanh nói.
Với kinh nghiệm 20 năm trong nghề buôn bán hàng rau, chị Thanh cho biết, đồ quê ở các chợ Đà Nẵng chủ yếu là mấy loại rau như cải, rau dền, rau muống... còn các loại củ, quả phải đến gần Tết Nguyên đán mới có hàng từ Điện Ngọc, Vĩnh Điện (tỉnh Quảng Nam), Túy Loan (huyện Hòa Vang) chở ra. Ngày thường toàn hàng ở Đà Lạt, Gia Lai, hàng Trung Quốc nhiều nhưng bây giờ ít ai lấy về vì sợ không bán được.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA