(ĐNĐT) – Khi lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm xuống còn 15%/năm, vốn không còn là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD). Nhưng điều đáng chú ý chính là lượng hàng tồn kho quá cao, thị trường khó khăn khiến DN sản xuất ngành này vẫn chưa thể phục hồi và phát triển lại được.
Bất động sản “đóng băng” đã kéo theo thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) ế ẩm. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh ngành này cũng khốn đốn không kém khi đồng vốn không thể quay vòng.
Theo phản ánh của các DN khai thác đá trên địa bàn thành phố, hơn 1 năm trở lại đây, hầu hết các DN chế biến đá rơi vào cảnh lao đao. Lượng hàng tồn kho ngày một lớn mà thị trường tiêu thụ thì ì ạch; nhiều đơn hàng đã bị chấm dứt do bạn hàng thiếu vốn chi trả. Nhiều DN đã phải cho công nhân nghỉ hoặc giãn việc để cầm cự.
Ông Nguyễn Nho Chắn, Giám đốc Công ty TNHH Nho Chiến cho hay, ngành VLXD ế ẩm là do ảnh hưởng từ việc cắt giảm nhiều dự án, hơn nữa người dân cũng tiết giảm việc xây dựng, sửa chữa nhà.
“Cùng thời điểm này những năm trước, mỗi ngày sản xuất khoảng 500 khối đá bán hết sạch. Còn bây giờ, dù đã giảm tối đa công suất nhưng vẫn không bán được. Ngặt nỗi, nghề khai thác đá không thể dừng lại, bởi nếu dừng DN sẽ khốn đốn vì giấy phép khai thác hết thời hạn”, ông Chắn nói.
Khó khăn hơn hoàn cảnh DN của ông Chắn, giám đốc một DN khai thác đá ở Phước Tường than thở: “Lúc trước, thị trường tiêu thụ chạy, trong tay chúng tôi có tới vài trăm công nhân, nhưng bây giờ ngay cả dầu để vận hành máy móc sản xuất cũng không có đủ tiền để mua. Bởi sản xuất ra, đá cứ chất núi ngồn ngộn vì không bán được. Hiện tại, các DN khai thác đá đã giảm giá sản phẩm hết mức, thế nhưng hàng tồn kho không vơi đi. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ có nhiều mỏ đá phải đóng cửa”.
Gạch là một trong nhóm hàng tiệu thụ chậm trong thời gian gần đây. |
Không chỉ các DN sản xuất, chế biến đá xây dựng gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, mà ngay cả những DN từ nhỏ đến lớn kinh doanh các mặt hàng như: sắt, thép, xi măng…cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù thị trường VLXD đang vào mùa kinh doanh cao điểm, thế nhưng tại các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng gạch, đá, sắt, thép, xi-măng tại Đà Nẵng vẫn trong cảnh người bán chờ người mua.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, chủ cửa hàng VLXD trên đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu cho hay, từ đầu năm đến nay, sức tiêu thụ giảm trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sắt thép là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất.
“Thời điểm này năm ngoái, cửa hàng của tôi bán ra khoảng 2.000 tấn sắt thép, nay lượng hàng bán ra chưa được một nửa. Bên cạnh đó, các mặt hàng như gạch, ngói, gốm sứ và các loại sơn chống thấm, dây cáp điện... nhu cầu cũng giảm khoảng 50%", ông Tuấn cho biết.
Hiện một số loại sắt nhỏ (phi 6, 8) bán lẻ có mức giảm trung bình khoảng 800 đồng/kg và sắt cây loại lớn (phi 12, 16, 18) có mức giảm từ 13.000-17.000 đồng/cây. Một số vật liệu khác như cát, xi-măng cũng giảm giá từ 5-10%, giá bán lẻ một số mặt hàng trang trí nội thất như sứ vệ sinh giảm khoảng 5-10% đối với loại có giá trên dưới 1 triệu đồng/cái, sàn gỗ giảm khoảng 15%, gạch ngói giảm 10%... Ðể tăng mãi lực kinh doanh, các DN cũng đã chủ động hạ giá bán, tăng cường công tác chăm sóc khách hàng nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan hơn.
Theo đánh giá của Sở Công thương, một tín hiệu khả quan trong những tháng cuối năm nay, dù lượng hàng tồn kho của các DN vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại đang trong xu hướng giảm qua mỗi tháng. Điều này cho thấy, sức cầu đã tăng trở lại, các DN cũng đã bắt đầu tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình. Một số DN đang đẩy mạnh sản xuất kinh doanh do tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ từ ngân hàng.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới kinh doanh VLXD, những tháng tới do bước vào thời điểm mùa mưa nên sức mua nhóm hàng VLXD sẽ còn khó khăn gấp bội. Do đó, dự báo giá cả sẽ còn giảm xuống. Các nhà sản xuất VLXD đang kỳ vọng vào những chính sách mới, nhất là việc mới đây Chính phủ đã có hướng “gỡ khó” cho thị trường bất động sản qua chính sách nới lỏng tài chính ở lĩnh vực này.
Ông Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNVVN TP. Đà Nẵng cho biết: Chừng hơn 2 năm về trước, lãi suất ngân hàng có lúc đỉnh điểm lên tới trên 24%/năm nhưng DN vẫn rất tự tin trong việc hoàn trả gốc và lãi cho ngân hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lãi suất ngân hàng đã giảm tới hơn 10% nhưng doanh nghiệp lại “ngại” vay vốn ngân hàng. Một mặt vì ngân hàng đã khắt khe hơn khi thẩm định hồ sơ vay vốn, mặt khác, nếu DN có vay được vốn thì cũng chẳng biết làm thế nào trong giai đoạn này. Khó nhất đối với DN hiện nay chính là đầu ra sản phẩm không tiêu thụ được, hàng tồn kho quá lớn ảnh hưởng tới việc luân chuyển hàng hoá, xoay vòng vốn để doanh nghiệp sản xuất. |
Bài và ảnh: Trọng Hùng