Ngô Ngọc Hưng, 26 tuổi, trú xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) - một thanh niên sau khi giải ngũ mang trong mình giấc mơ làm giàu ngay chính trên quê hương mình. Dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, nhạy bén với thời cuộc, giờ đây Hưng đã làm chủ một trang trại do chính tay mình gây dựng.
Anh Hưng chăm sóc đàn heo. |
Con đường nhỏ vào thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong ngang qua cánh đồng rộng, vừa đến đầu làng hỏi anh Hưng ai cũng biết. Người dân nơi đây đã quen với hình ảnh chàng thanh niên hiền lành, ít nói, nước da rám nắng. Suốt ngày chăm chỉ với việc nhà nông, đêm ngủ lại canh ao cá, sáng sớm anh Hưng về lúi húi chăm sóc heo, gà, vịt xiêm…, từ cho ăn đến theo dõi “bắt bệnh” điều trị đều do chính tay Hưng làm.
Ngô Ngọc Hưng sinh ra trong một gia đình đông anh em, học hết phổ thông “lều chõng” đi thi nhưng không đậu đại học. Tạm gác giấc mơ giảng đường, anh Hưng đi nghĩa vụ quân sự. Sau khi giải ngũ trở về quê nhà tính kế làm giàu. Anh đi học lái xe rồi lái xe tải một thời gian, về phố xin làm bảo vệ, làm thợ hồ… Kinh qua nhiều việc, anh tiết kiệm được ít tiền cộng với số tiền Nhà nước hỗ trợ khi ra quân quyết tâm lập trại chăn nuôi ngay trên đất vườn. Nghe Hưng trình bày “dự án” với gia đình, ban đầu mọi người hơi bất ngờ, nhưng biết tính anh vốn là con nhà nông, bản tính siêng năng, cần cù, từ nhỏ quen với việc đồng áng, phụ việc chăn nuôi trong gia đình, nên anh được gia đình, bạn bè ủng hộ. “Cái hôm nó nói muốn mượn mảnh vườn và ít vốn để lập trại chăn nuôi, thấy lạ vì thanh niên trong làng đều thích đi làm xa, nó lại nghĩ khác nhưng trong nhà cũng đồng ý”, bà Đặng Thị Xuyến, mẹ của anh Hưng nhớ lại.
Cầm trong tay 30 triệu đồng là số tiền gia đình, anh chị em tích cóp, huy động được, anh xắn tay xây dựng chuồng trại và mua con giống, nhưng số tiền cũng nhanh chóng hết. Thấy con quyết tâm, ông Ngô Văn Hạnh lại chạy vạy vay mượn được hơn 50 triệu đồng để anh mua giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh. Ban đầu anh thuê máy đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại nuôi gà với số lượng lớn. Tìm hiểu qua sách báo thấy thỏ, vịt xiêm, lươn có thể mang lại lợi ích kinh tế cao, anh mạnh dạn đầu tư. “Mình có sức khỏe, nhân lực không phải thuê, mặt bằng có sẵn nên quyết tâm đầu tư vào chăn nuôi, tìm hướng đi mới”, anh Hưng chia sẻ.
Con đường đi cũng lắm chông gai, nhiều lần anh phải nếm trải thất bại. Có lần mới nhập về hơn 2.000 con gà giống, dịch bệnh xảy ra, chỉ trong 2 ngày, 400 con đã chết, khiến anh mất ăn mất ngủ, rồi mua sách, lên mạng tìm hiểu kỹ thuật phòng và chữa bệnh. Ra huyện mua thuốc rồi về tự tay tiêm từng con, cách ly, vệ sinh chuồng trại, số gà giống còn lại khỏe mạnh trong sự vui sướng của anh và gia đình. Sau những lần như thế, anh thấm thía hơn sự khó nhọc trên con đường mình chọn và rút ra kinh nghiệm cho bản thân. “Mình học kỹ thuật nông nghiệp qua sách báo để làm nhưng phần lớn thành công là nhờ những kinh nghiệm của các bậc lão nông truyền đạt lại”, anh Hưng tâm sự.
Hiện trang trại của anh có hơn 2.000 con gà lấy thịt, 100 vịt xiêm, 60 thỏ lấy thịt, hơn 20.000 cá trê lai, rô phi, trên 3.000 cá diêu hồng và 50 heo nuôi giống và lấy thịt. Với thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, mô hình chăn nuôi của anh khiến nhiều người tấm tắc khen và học hỏi. Anh cũng rất sẵn lòng chia sẻ, hướng dẫn những thanh niên, bà con muốn tìm hiểu kỹ thuật. Với hơn 1.000 mét vuông đất rừng đang trồng keo, anh mong muốn mở rộng quy mô, nuôi thêm heo mọi (heo rừng lai), theo anh thì đây là giống nuôi cho hiệu quả kinh tế rất cao, chăm sóc không quá khó, nhưng khó khăn nhất là thiếu vốn để đầu tư con giống.
“Chọn thất bại” để thành công là phương châm sống của anh Hưng. Biết công việc sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể đối mặt với thất bại, trắng tay nhưng bằng ý chí, quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực mang lại thu nhập cho bản thân, cải thiện đời sống gia đình, làm giàu cho quê hương. Tuy bận rộn với công việc nhưng anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cán bộ Đoàn Thanh niên thôn Khương Mỹ. Ngày 8-10-2011, anh Ngô Ngọc Hưng vinh dự được nhận giải thưởng Lương Đình Của - giải thưởng tuyên dương những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong phát triển kinh tế do Trung ương Đoàn phát động.
Anh Đặng Công Quang, Bí thư Đoàn xã Hòa Phong, cho biết: “Anh Hưng là một trong những đoàn viên tiêu biểu của xã, cần cù, chăm chỉ, rất sáng tạo trong các hoạt động và phát triển kinh tế tại địa phương; luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện cộng đồng, năng nổ trong công tác Đoàn. Đoàn xã cũng cố gắng tạo điều kiện giúp đỡ để anh có thể mở rộng mô hình và giúp đỡ các thanh niên khác trong xã”.
Bài và ảnh: NGUYỄN TIẾN