.

Phát triển dịch vụ ở Hòa Vang

.

Không cần đi đâu xa, chỉ cần gọi điện thoại, người dân ở vùng nông thôn sẽ được đáp ứng ngay những gì họ cần. Việc ra đời các loại hình dịch vụ được xem là bước tiến nổi bật trong phát triển kinh tế của địa phương, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Dịch vụ máy tuốt lúa giúp nông dân giảm công sức trong lao động.
Dịch vụ máy tuốt lúa giúp nông dân giảm công sức trong lao động.

Đa dạng các loại hình dịch vụ

Một điều rất dễ nhận thấy khi về các vùng nông thôn ở huyện Hòa Vang là các loại hình dịch vụ phát triển rất đa dạng, từ dịch vụ thương mại phục vụ sản xuất như giống cây trồng và vật nuôi, chế tạo cơ khí, máy móc đến dịch vụ Internet, điện thoại, dạy nghề, nấu ăn phục vụ các đám tiệc… đều đã trở nên gần gũi với cuộc sống của người dân nơi đây.

Trước kia, nhà ai có đám tiệc cưới, hỏi thì phải huy động hết bà con, họ hàng đến giúp và sau mỗi buổi tiệc là “bãi chiến trường” khiến ai cũng ngao ngán. Nhưng giờ đã khác, với sự nở rộ các dịch vụ cưới, hỏi, nấu ăn phục vụ trọn gói đã giúp giảm nhiều sự vất vả của người thân trong cuộc vui gia đình. Chị Lê Thị Thủy ở thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương cho biết: “Giờ đường sá mở rộng, các dịch vụ trên đều sẵn sàng đến tận nơi để phục vụ nhu cầu của người dân ở đây. Chỉ cần gọi điện thoại là họ đáp ứng ngay, rất tiện lợi”.

Ở nhiều thôn, từ khi các tiệm sửa chữa điện tử, máy móc xuất hiện, bà con không còn phải mất công đem những đồ gia dụng hư hỏng xuống tận Đà Nẵng để sửa. Anh Nguyễn Sự (thôn Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước) làm nghề thợ mộc cho biết, từ ngày ở thôn có tiệm cơ khí, anh không phải vất vả đem đồ nghề xuống tận Cẩm Lệ sửa và nhiều khi phải chờ đợi cả ngày mới lấy được. “Trước kia, hư hỏng cái gì, bà con cũng đem xuống phố. Từ cái ti-vi cho đến cái nồi cơm điện. Mà mỗi lần đi như thế tốn kém và mất nhiều thời gian”, anh Sự chia sẻ.

Còn với chị Nguyễn Thị Bích Phượng, chủ cơ sở giống cây trồng ở thôn Khương Mỹ (xã Hòa Phong) cho biết, ngoài việc bán hàng tại chỗ, chị còn nhận giao hàng về tận nơi cho những ai có nhu cầu. Đến thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, nhà ông Lê Thiện được xem là địa chỉ chuyên cung cấp giống chim cút cho người dân trong vùng và những nơi lân cận. Dịch vụ sau thu hoạch cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công việc sản xuất của người dân. Cứ đến các vụ thu hoạch lúa, điện thoại của anh Lê Văn Tuấn (thôn Hòa Khương, xã Hòa Nhơn) lại nóng lên bởi liên tục các cuộc gọi anh đem máy đi phục vụ gặt lúa, tuốt lúa, xay lúa. Anh cho biết, hầu như nhà ai cũng trồng lúa và hoa màu nhưng không phải ai cũng có máy móc để phục vụ sản xuất. Vì vậy, vào những vụ mùa, công việc của anh khá đắt hàng, nhiều hôm đi đến tận 6-7 giờ tối mới về. Loại hình dịch vụ này đã góp phần cơ giới hóa trong nông nghiệp, giảm sức lao động cho nông dân.

Gần hơn với thành thị

Có thể thấy, việc phát triển các loại hình dịch vụ ở nông thôn đã làm “thay da đổi thịt” vùng đất Hòa Vang. Với sự tiện lợi mà các dịch vụ mang lại đã giúp người dân tiếp cận với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, tạo điều kiện giao thương hàng hóa trong vùng. Ông Tán Văn Quang, cán bộ BQL chợ Túy Loan (xã Hòa Phong) cho biết, những năm trước, khi cần mua hàng hóa nhiều tiền, người dân địa phương phải đi hàng chục cây số xuống dưới chợ phố, nay chợ ở xã phát triển mạnh nên họ mua hàng rất dễ dàng. Sự xuất hiện của hàng trăm hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, nhiều nhất là may mặc, mộc, sửa chữa cơ khí… đã tạo lợi ích thấy rõ là góp phần tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân.

Các chợ như Túy Loan (Hòa Phong), Miếu Bông (Hòa Phước), Lệ Trạch (Hòa Tiến)... cũng thu hút nhiều người dân địa phương và những nơi khác đến mua bán hàng hóa. Sự phát triển của các chợ đã tạo nên tính năng động, kích thích giao lưu trao đổi hàng hóa giữa huyện Hòa Vang và các địa phương lân cận, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương. Anh Ngô Văn Tiến (thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương) đang buộc chiếc ti-vi vừa mới mua để chở về nhà, vui vẻ chia sẻ: “Ở đây hàng hóa đầy đủ, cần mua gì chỉ chạy ra chợ xã là có ngay”. Còn chị Lê Thị Yến, chủ đại lý bán hàng điện tử ở chợ Túy Loan cho hay: “Bà con ở quê dành dụm được chút tiền, muốn sắm sửa một vài thứ trong nhà thì mua ngay trên địa bàn mà không cần phải xuống tận dưới phố cách xa hàng chục kilômét. Ở đây chúng tôi có đủ mặt hàng để bà con lựa chọn”.

Với sự đa dạng của các loại hình dịch vụ ở nông thôn cho thấy tốc độ phát triển kinh tế ở đây đang dần bắt kịp với thành thị, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa hai vùng, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN
 

;
.
.
.
.
.