Một phần diện tích trên tầng thượng ngôi nhà được nhiều gia đình dành làm vườn rau nhỏ. Hằng ngày, cả gia đình vẫn dành thời gian rảnh để chăm sóc khu vườn như một cách thư giãn và có thêm rau sạch trong thời buổi nỗi lo về không an toàn thực phẩm.
Anh Triều chăm sóc vườn rau gia đình. |
An toàn và tiện dụng
Anh Hồ Tấn Triều, nhà ở đường Lý Thái Tông (quận Thanh Khê) có vườn rau rộng gần 50m2 trên sân thượng. Với 100 thùng xốp được sắp xếp gọn gàng và khoa học, vườn rau của anh có gần 20 loại rau, trồng gối đầu nên hầu như có rau ăn quanh năm. Mùa nào thức ấy, mùa hè thì có rau muống, mồng tơi, rau dền, rau ngót, mùa đông thì có rau cải, thiên lý, tần ô, cà tím...
Cách trồng rau sạch này rất phù hợp với người dân sống ở thành phố vì vừa đơn giản, vừa dễ làm lại ít tốn kém và rất an toàn. Chỉ cần thùng xốp, còn giống rau bán sẵn trên thị trường. Anh Triều cho biết, chỉ cần bỏ ít thời gian để chăm sóc hằng ngày là có thể có một vườn rau sạch đủ dùng, đặc biệt là bảo đảm an toàn vệ sinh. “Gia đình tôi rất yên tâm khi ăn rau do mình trồng, không dùng thuốc hóa học, thuốc kích thích“, anh Triều chia sẻ.
Những người thích trồng rau trong vườn nhà phố có nhiều cách thiết kế vườn sáng tạo, tùy theo vị trí có được. Ðất ở phố thị xấu, thường pha lẫn nhiều tạp chất, cải tạo sẽ tốn kém nên nhiều người mua đất sạch để trồng cây. Nhiều nhà chỉ với một diện tích nhỏ từ 1 - 5m2 trên sân thượng hoặc ngoài ban công, cũng có thể tạo một vườn rau mini đủ cung cấp bữa ăn cho gia đình. Chị Nguyễn Thị Hoa (khu chung cư Sơn Trà - Điện Ngọc) thiết kế một vườn rau chỉ khoảng 3m² phía ngoài hành lang của khu chung cư. Rau các loại trồng trong chậu đá như hành, húng, cải, sả, rau mầm... cung cấp cho gia đình một lượng rau bảo đảm chất lượng. “Trước đây, nhiều lúc đi chợ quên mua trái ớt, củ hành phải chạy ra tận chợ để mua, rất bất tiện. Giờ chỉ cần bước ra vườn nhà đã có”, chị Hoa chia sẻ. Còn với bà Trần Thị Lan (quận Hải Châu) kể: “Tôi cứ trồng gối đầu là có rau ăn dài dài mà lại là rau sạch. Vừa được ăn lại vừa có cái thú khi chăm bón, mỗi ngày lên xuống sân thượng như một cách tập thể dục”.
Ông Nguyễn Nhân ở đường Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà) thì ngoài việc trồng các loại rau, củ thông thường trong sân nhà, ông còn “sưu tập” các loại thảo dược như hồng dương, ngò rí, khoai bình tinh... Ông nói: “Những loại cây trồng ở đây đều có tác dụng bồi bổ cơ thể. Ðem chế biến thành thức ăn rất ngon và thơm với vị riêng. Cây cỏ quanh ta phong phú, tội gì không trồng lấy mà ăn”. Với ông, chăm sóc vườn rau còn là cách để thư giãn tuổi già.
Tiết kiệm chi tiêu
Có một vườn rau xanh trong nhà đồng nghĩa với việc không phải ra chợ mua rau, giúp tiết kiệm một khoản nhỏ trong chi tiêu hằng tháng. Chị Nguyễn Thị Kim Thương (quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Mình là dân văn phòng nhưng cũng cố bỏ chút thời gian chăm sóc cho mấy luống rau trên tầng thượng. Thời gian đầu chỉ làm ít luống rau muống, rau ngót, hành cũng đủ cho hai ngày trong tuần không phải mua rau”. Không phải mua rau cho 5 - 6 bữa/tuần, chị Thương sẽ tiết kiệm khoảng 200.000 đồng/tháng.
Làm việc ở Tổng Công ty Điện lực miền Trung, anh Triều biết rất rõ các cách để tiết kiệm điện cho gia đình. Theo anh, vườn rau trong nhà có thể giúp tiết kiệm điện vì nó làm mát ngôi nhà, không cần phải dùng điều hòa những lúc trời nóng, đồng thời cũng là cách bảo vệ môi trường vì tận dụng tối đa rác thải sinh hoạt của gia đình làm phân bón cho cây. Anh Triều đã hướng dẫn cho nhiều đồng nghiệp cách trồng rau xanh tại nhà và nhiều người thực hiện. “Trồng rau trên nóc nhà, một công đôi việc, vừa có rau ăn vừa tiết kiệm được tiền lại vừa có thể chống nóng cho nhà. Tôi nghĩ đây là cách làm hay và có hiệu quả”, anh Phan Thanh Mừng (đồng nghiệp anh Triều) chia sẻ. Chị Thương cho biết: “Gia đình tôi cũng mới áp dụng cách làm này ba tháng, nhưng tôi thấy rất hiệu quả. Đặc biệt khi đi làm về cùng con gái chăm sóc mấy chậu rau mình trồng, thấy chúng lớn rất nhanh, tôi vui lắm”.
Việc trồng rau tại nhà không chỉ đem lại hiệu quả về chất lượng mà còn tạo không gian xanh làm cho môi trường sống được trong lành hơn.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN