.

Siết chặt quản lý thực phẩm ở các chợ

.

Thực phẩm bị nhiễm bẩn, nhiễm độc bởi chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc... gần đây xuất hiện tràn lan khiến người dân hoang mang, lo lắng. Vì vậy, việc siết chặt quản lý thực phẩm ở các chợ là cần thiết.

Cần phải kiểm soát chặt chẽ để hạn chế nguồn thực phẩm nhiễm bẩn về các chợ.
Cần phải kiểm soát chặt chẽ để hạn chế nguồn thực phẩm nhiễm bẩn về các chợ.

Lo ngại thực phẩm nhiễm bẩn

Thông tin về nhiều loại hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ) với dư lượng chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, kể cả Đà Nẵng. Tại chợ đầu mối Hòa Cường, theo đại diện BQL chợ, thời gian này dù số lượng các loại quả giảm nhiều nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm tấn hoa quả, rau củ được nhập về chợ. Trên thị trường, từ chợ lớn đến chợ nhỏ, đâu đâu cũng có những hàng bán các loại hoa quả nghi chứa chất độc hại, vượt quá ngưỡng cho phép với giá rẻ hơn so với hoa quả nội.

Điều đáng lo ngại là, không chỉ có các loại nông sản nhiễm độc nhập khẩu xuất hiện trên thị trường mà ngay cả những thực phẩm sản xuất trong nước bị phát hiện sử dụng chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc, đường hóa học... ngày một nhiều hơn. Đặc biệt mặt hàng thịt, liên tiếp có những thông tin người chăn nuôi sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng, khiến cho người tiêu dùng quay sang dùng thủy sản nhiều hơn. Ngay cả những thực phẩm khác như giá đỗ, măng hay những thực phẩm chế biến như bò viên, mực, nem chả... cũng phát hiện ủ ướp bằng các chất độc hại hoặc chứa hàn the.

Cho dù trên địa bàn thành phố chưa phát hiện cơ sở sản xuất thực phẩm “bẩn” nhưng với việc lưu thông thuận lợi trong nước, thực trạng này đặt ra cho các cơ quan chức năng nhiều thách thức trong việc quản lý và kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các chợ.

Cần ngăn chặn từ gốc

Tại chợ đầu mối Hòa Cường, mỗi đêm có khoảng từ 150-250 tấn trái cây nhập về. Ông Nguyễn Công An, Phó BQL chợ đầu mối Hòa Cường cho biết: “Với số lượng lớn trái cây như vậy, buộc BQL chợ phải tăng cường công tác quản lý để hạn chế đến mức thấp nhất nguồn thực phẩm kém chất lượng về chợ. Mỗi lô hàng nhập về đều qua khâu kiểm tra nghiêm ngặt về hóa đơn chứng từ và nguồn gốc xuất xứ”. Tại chợ thủy sản Thọ Quang, các mặt hàng thủy hải sản đều được BQL chợ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra các loại kháng sinh tồn dư.

Tại các chợ trung tâm thành phố như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa..., công tác kiểm tra chất lượng thực phẩm được tiến hành thường xuyên nhưng chỉ bằng cảm quan. Ông Nguyễn Thu, Phó trưởng BQL chợ Cồn cho biết, BQL đã tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tuân thủ theo quy trình và tổ chức những buổi họp để phổ biến quy định cho tiểu thương nắm rõ. “Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra chất lượng thực phẩm ở chợ nhưng chỉ bằng cảm quan bên ngoài, nên cần phải có sự phối hợp của các cơ quan chức năng khác mới có thể phát hiện thực phẩm bị nhiễm bẩn”, ông Thu cho biết.

Theo ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản, để hạn chế hàng thực phẩm kém chất lượng ở các chợ, cần phải ngăn chặn ngay từ gốc. Đới với hàng nhập khẩu, các cơ quan chức năng ở các cửa khẩu phải kiểm soát chặt chẽ khi thực phẩm nhập vào nước ta. “Sắp tới, đối với những hộ kinh doanh tại chợ đầu mối Hòa Cường, chúng tôi yêu cầu và nhắc nhở họ phải có sổ ghi chép hàng hóa về số lượng nhập, nguồn gốc hằng ngày. Khi có vụ việc gì xảy ra, chúng tôi dễ dàng truy tìm nguồn gốc để xử lý. Ngành Công thương phải có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ. Còn chúng tôi quản lý tại các chợ đầu mối Hòa Cường, chợ thủy sản Thọ Quang”, ông Tứ cho biết thêm.

Để thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, cần sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là sự quan tâm của chính quyền và sự hưởng ứng của người tiêu dùng.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN
 

;
.
.
.
.
.