.

Thiếu lao động ngành may

.

Bỏ việc, nhảy việc trong ngành may là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nên nhiều doanh nghiệp may luôn trong tình trạng thiếu lao động.

Giờ làm việc của công nhân tại Công ty CP Dệt-may 29-3.
Giờ làm việc của công nhân tại Công ty CP Dệt-may 29-3.

Tuyển lao động thường xuyên

Các chuyền tại Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ (quận Cẩm Lệ) đang hoạt động hết công suất để kịp đơn hàng cho những tháng cuối năm. Dù được xem là đơn vị dệt-may có tiếng với nhiều chế độ đãi ngộ tốt, nhưng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ cũng rơi vào tình trạng chung của ngành may: luôn thiếu lao động. “Hiện công ty có 7.000 lao động làm việc để kịp những đơn hàng xuất khẩu đi các nước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần tuyển thêm 1.000 lao động để bù vào số lao động hao hụt cũng tương đương như thế, nhất là vào dịp năm hết Tết đến”, bà Trần Tường Anh, Giám đốc điều hành công ty cho biết.

Với mức lương công nhân may hiện khoảng từ 2,7 - 3,5 triệu đồng/tháng cộng thêm nhiều chế độ thưởng, Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ vẫn thiếu lao động, nhất là lao động có trình độ tay nghề cao. “Người lao động vẫn quan niệm nghề may là nghề vất vả, lương thấp nên không mặn mà để gắn bó với nghề. Trong tháng đầu tiên, chúng tôi đào tạo công nhân làm quen với tất cả các bộ phận trong dây chuyền, sau đó đào tạo vị trí đang thiếu lao động”, bà Anh nói. Cũng theo bà Anh, việc đào tạo một công nhân lành nghề tốn nhiều thời gian và chi phí nên người lao động nhảy việc ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây cản trở khi doanh nghiệp thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất.

Công ty CP Dệt-may 29-3 (quận Thanh Khê) cũng luôn cần tuyển lao động để bù vào số hao hụt. “Chúng tôi đang tuyển từ 100 - 200 lao động để bù vào số lao động thiếu. Việc tuyển dụng hiện rất khó, dù mức lương chúng tôi đưa ra không thấp so với nhiều nơi khác, khoảng từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Hơn 2.000 lao động mà đơn vị đang có cũng được ưu ái với nhiều chính sách tốt”, một cán bộ tuyển dụng của công ty cho biết. Cán bộ này nói thêm rằng, lao động thiếu nhất ở bộ phận may vì đòi hỏi nhiều kỹ thuật, còn những bộ phận khác như cắt, lắp ráp thì không thiếu.

Tại sàn giao dịch việc làm gần đây ở Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng, không khó để thấy các doanh nghiệp may đăng bảng tuyển lao động như: Công ty May Hữu Nghị cần 500 công nhân, Công ty TNHH Con Đường Xanh đăng bảng tuyển 200 công nhân may...

Không đáp ứng đủ

Một thực tế, lao động ngành may chủ yếu là nữ nên nhiều chị em, nhất là ở các tỉnh đến Đà Nẵng làm việc khi có gia đình, sinh con liền bỏ việc và chờ tìm việc mới. Thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề là chuyện không mới và được dự báo từ lâu đối với ngành may công nghiệp của thành phố. Trong khi đó, theo Sở Công thương Đà Nẵng, các ngành công nghiệp truyền thống như: chế biến thủy sản, dệt-may, da giày... sẽ có sự dịch chuyển theo hướng phát triển chiều sâu, tăng hàm lượng công nghệ chất xám nên yêu cầu lao động phải qua đào tạo nghề. Bà Tường Anh cho biết, công ty đang tuyển một số kỹ sư công nghệ may của một trường ĐH ở thành phố Hồ Chí Minh và nâng cao kỹ năng để tạo nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Người học không mặn mà với ngành may cũng là một thực tế. Ông Ông Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hòa Vang thở dài: “Năm ngoái chúng tôi còn tuyển được 2 lớp sơ cấp may với 60 học viên. Năm nay chỉ có vài hồ sơ nên không tuyển được lớp nào dù các doanh nghiệp may luôn liên hệ đặt hàng tuyển dụng như Nhà máy Dệt Hải Vân, Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ, Công ty May Tiến Thắng”. Lãnh đạo một doanh nghiệp may nhận định: “Trình độ các lao động có kỹ thuật ngành may hiện nay vẫn chưa đạt yêu cầu. Kỹ thuật viên hoặc kỹ sư thiết kế may công nghiệp phải là người nghĩ và thiết kế ra được những mẫu mã mới, độc quyền cho công ty chứ không phải chỉ biết làm và copy mẫu như hiện nay”. Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu đào tạo lại cho người có tay nghề thấp, lực lượng sản xuất trực tiếp. Tuy nhiên, những kỹ năng điều hành, quản lý, công nghệ mới, marketing, xúc tiến xuất khẩu thì chủ yếu tìm từ bên ngoài và sẵn sàng trả mức lương hậu hĩnh.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.