Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội xin sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong đó, dự kiến bỏ quy định thời gian ân hạn nộp thuế nhập khẩu (NK) nguyên vật liệu 275 ngày như hiện nay. Thay vào đó, doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vật tư nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (XK) phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa, hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng...
Các doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản... đang lo việc ân hạn thuế bị bỏ. (ảnh mang tính minh họa) |
Đây là một trong những nội dung khiến các DN xuất nhập khẩu lo lắng. Các DN cho rằng, một khi thời gian ân hạn thuế bị bỏ, đồng nghĩa với việc DN sẽ phải lo xoay xở đủ tiền thuế để nộp trước khi hàng hóa được thông quan. Việc này kéo theo một số chi phí tăng lên, đồng thời DN thiếu tiền để đầu tư mở rộng SXKD cũng như cạnh tranh. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hải quan thành phố, việc bỏ ân hạn thuế là phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó chống thất thu ngân sách và tạo sự bình đẳng giữa các DN với nhau, đồng thời khuyến khích ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam, khuyến khích DN sử dụng nguyên liệu trong nước đưa vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất để XK… Ngoài ra, sẽ khắc phục tình trạng chây ỳ, giải quyết tình trạng chiếm dụng tiền thuế và bỏ trốn của một số DN. Bên cạnh đó, hiện nay hầu hết các nước trên thế giới đều không cho nợ thuế như: Hoa Kỳ, Campuchia, Thái Lan, Lào... Vì vậy, để hội nhập, thuế Việt Nam cũng phải sửa đổi cho phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các DN đều cho rằng, nếu áp dụng quy định mới, không được ân hạn thuế như hiện nay, các DN nhập khẩu nguyên liệu sản xuất trong các ngành dệt may, da giày, thủy sản… sẽ gặp khó khi phải nộp thuế trước. Trên thực tế, khi được ân hạn thuế, DN có một khoảng thời gian để quay vòng nguồn vốn. Đối với các DN quy mô nhỏ, lượng nguyên liệu NK ít, số thuế phải đóng không đáng kể. Nhưng đối với các DN lớn, hàng hóa NK nhiều thì thời gian ân hạn như hiện nay là một trong những điều kiện giảm chi phí giá thành hàng XK.
Theo đại diện một DN dệt may cho biết, lo lắng nhất hiện nay của DN dệt may nói riêng, DN XK nói chung không đơn thuần là thiếu đơn hàng, lãi suất cao hay chi phí đầu vào tăng, mà là khả năng chính sách ân hạn thuế 275 ngày có thể bị hủy. Song khi chúng tôi đưa ra con số gần 20% DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất XK nợ thuế bỏ trốn thì vị này cho rằng: Thực tế những DN chây ỳ trốn thuế, vô tình đẩy các DN làm ăn nghiêm chỉnh, chấp hành nghiêm túc chính sách thuế bị liên đới. Mới đây, trong buổi thảo luận tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đưa ra con số “500 tỷ đồng có khả năng mất hẳn” do các DN sản xuất hàng XK, gia công bỏ trốn do được ân hạn thuế.
Theo Cục Hải quan Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố có 282 DN được ân hạn thuế với số thuế ân hạn hơn 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng có đến 58 DN nợ thuế quá hạn với số nợ thuế lên đến 18 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 56 DN nợ thuế thuộc dạng cưỡng chế với số thuế nợ gần 80 tỷ đồng. Trong số này, đơn vị đang rất vất vả với 114 DN còn nợ thuế quá hạn và cưỡng chế. Điều đáng nói là không ít DN được ân hạn thuế, nhưng sau thời gian ân hạn đã không đến cơ quan Hải quan nộp đủ số thuế vào NSNN mà còn bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Vì vậy, số thuế này không còn khả năng thu hồi được.
Bài và ảnh: THÀNH LÂN