Đi biển là chuyện của đàn ông, nhưng với nhiều phụ nữ ở làng cá Nại Hiên Đông lại là chuyện thường tình. Đàn bà đi biển thả lưới khéo mà lái thuyền cũng giỏi, đặc biệt rất chịu thương chịu khó.
Sửa soạn ngư lưới cụ cùng chồng ra biển. |
Ghe là nhà
Một buổi tối đầu đông, tôi ghé thăm Khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông. Mới 7 giờ tối, cả làng í ới gọi nhau ra biển, kẻ vác lưới, người xách mồi câu. Ở làng cá này, đàn bà đi biển là chuyện thường, thậm chí có chị đi biển từ thời còn con gái tuổi mười tám đôi mươi. Lấy chồng, có khi hai bên nội ngoại cho chiếc ghe nhỏ làm quà cưới, các chị cùng chồng bám biển mưu sinh.
Tôi ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Kỷ (58 tuổi, phòng 404, nhà 1B). Căn hộ chung cư chỉ gần 60m2 nhưng có hơn chục người sinh sống, còn ngư lưới cụ thì chất đầy quanh nhà. “Nhà đông người, không có chỗ ngủ nên có khi hai vợ chồng che tấm bạt ngoài ghe ngủ, nấu ăn, tắm giặt luôn ở ngoài đó”, chị Kỷ cho biết. Ngồi kiểm tra lại đồ nghề chuẩn bị cho chuyến ra khơi, chị Kỷ kể cho tôi nghe nỗi niềm của người phụ nữ đi biển với bao khó khăn và vất vả. “Tui sinh ra trong một gia đình làm nghề biển nên năm lên 17 tuổi đã theo cha ra biển thả lưới, đánh cá. Lập gia đình rồi ra ở riêng, cuộc sống của vợ chồng tui cũng bắt đầu từ những chuyến đi biển. Mà đàn bà đi biển thì cực lắm!”.
Như đã hẹn trước, chiều hôm sau, tôi đón ghe chị Huỳnh Thị Thanh (51 tuổi, phòng 212, nhà 1C) neo đậu ở vịnh Mân Quang, quận Sơn Trà. Hàng chục chiếc ghe khác cũng tụ tập về đây nghỉ ngơi sau một đêm đi biển vất vả. Từ trên bờ, tôi nói vọng ra ghe: “Hôm ni đi biển được nhiều ít chị Thanh?”. “Cũng chẳng được bao nhiêu cô ơi! Chỉ đủ tiền tổn thôi”, chị cười. Ghe đậu phía ngoài sông nên chị phải bơi chiếc xuồng nhỏ vào bờ để đưa tôi ra ghe. Ra đến ghe, chị tranh thủ nấu ấm nước trà mời khách. “Với vợ chồng tôi, thời gian ở trên biển còn nhiều hơn ở nhà. Giờ đi biển đã trở thành thói quen, ngày nào biển động phải ở nhà là chân tay buồn bã không chịu nổi. Đi biển với chồng là để tiết kiệm chi phí. Trên biển, vợ một việc, chồng một việc, đồng tay đồng chân nên thấy công việc cũng rất nhẹ nhàng”.
Chị Thanh cho biết thêm, mỗi chuyến ra khơi bắt đầu từ chiều tối và lênh đênh cả đêm trên biển cho đến sáng hoặc trưa hôm sau mới trở về. “Có vợ đi cùng, bả lo cho mình bữa cơm tươm tất hoặc sửa cho mình cái mồi câu. Nhiều lần đau ốm không đi biển được, mình bả với thằng con đi biển cũng giỏi lắm”, chồng chị Thanh chia sẻ.
Nước mắt giữa biển khơi
Về làng cá, tôi còn được nghe các chị kể nhiều chuyện về những chuyến ra khơi thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Ở làng cá Nại Hiên Đông có khoảng hơn chục phụ nữ đi biển. Hẳn trong tâm trí họ khó quên được những cơn say sóng tưởng chừng như không ngồi vững được trên thuyền của ngày đầu tiên ra biển. Có lần ra khơi, hai vợ chồng buông lưới mà không biết lưới rách nên sau một đêm lênh đênh trên biển đến sáng kéo lưới lên không có con cá nào. Rồi có lần ra đến biển, thả lưới xong thì nghe tin bão gần bờ, thế là tất tả cho ghe vào bờ mà không kịp thu lưới. Đối mặt với trùng khơi khó khăn nhưng mỗi chuyến biển thông thường cũng chỉ kiếm được vài trăm nghìn, có bữa về tay không.
Nhiều phụ nữ ở làng cá Nại Hiên Đông đi biển ròng rã mấy ngày liền cũng giỏi như đàn ông. Nhiều chị không có ghe nhà thì đi bạn cho các chủ tàu. Chị Trần Thị An (35 tuổi, phòng 105, nhà 1C) đi biển từ năm 15 tuổi. Thời con gái, chị theo ghe của ông bác ra khơi cùng những người đàn ông khác là anh em họ. Chị cười rất tươi: “Thì tui cũng làm việc như họ thôi. Khi thì bủa lưới, vớt cá hoặc lo chuyện cơm nước. Tui tranh thủ đi làm để còn lấy chồng, tưởng rằng lấy chồng rồi khỏi ra biển nữa, ai ngờ chừ vẫn đi!”. Chị em đi biển bơi lội cũng không kém gì đàn ông, ra khơi mấy chuyến là quen với sóng gió. Khi tôi ngạc nhiên chuyện đàn bà đi biển hầu như ai cũng hút thuốc, chị An cười: “Ra biển lạnh lẽo, hút thuốc cho ấm người và quên đi cực nhọc. Nhiều người đi biển mà không có thuốc là chịu không được”.
Ghe cập bến, chị Thanh tất tả mang cá lên chợ bán. Về nhà chưa kịp rửa chân, chị lại lo chuyện cơm nước cho chồng con. Chiều lại cùng chồng vá lưới chuẩn bị cho chuyến biển trước lúc trời tối. Cứ như vậy, công việc của những chị em làm nghề biển ở làng cá này như con thoi. Tay thoăn thoắt vá mảnh lưới, chị Phan Thị Cương (53 tuổi, phòng 309, nhà 1B) chia sẻ: “Đi biển cùng chồng cực khổ mấy tôi cũng chịu được, bởi dù sao cũng sớt chia công việc nặng nhọc cùng chồng. Giờ sức khỏe yếu nhưng cũng cố gắng đi biển, chứ không làm thì lấy chi ăn”.
Chia tay làng cá Nại Hiên Đông, hình ảnh những người phụ nữ với khuôn mặt khắc khổ và làn da rám nắng cứ ám ảnh tôi mãi. Chỉ mong trời lặng sóng êm, những chuyến biển trở về được đầy ắp tôm cá với nụ cười rạng rỡ của các chị.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN