.

Mai một nghề cá ở Nam Ô

.

Theo các bậc cao niên ở làng chài ven biển Nam Ô 2 (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu), từ đời cha ông họ, nghề cá ở đây đã rất phát triển. Sau ngày Đà Nẵng giải phóng, làng chài vẫn còn đội tàu gỗ hàng chục chiếc, chuyên đánh bắt cá cơm than, còn thúng máy khoảng trên 400 chiếc.

Làng nghề nước mắm Nam Ô nổi tiếng một thời nhờ đội tàu gỗ liên tục bám biển. Thế mà nay, làng chài chỉ còn hơn trăm thúng máy, mỗi ngày một lượt đi về, đánh bắt bằng lưới thả cách bờ chừng vài ba hải lý. Bữa trúng đậm mỗi thúng đưa về dăm bảy kilôgam cá, toàn thứ ít giá trị, bữa thất thu chỉ vài ba kilôgam, không đủ bù chi phí xăng dầu.

Ngư dân Nam Ô 2 đánh bắt hải sản bằng thúng máy.
Ngư dân Nam Ô 2 đánh bắt hải sản bằng thúng máy.

Ngư dân ở Nam Ô 2 đa số cao tuổi, thường trên 50. Lý giải về thực trạng này, ông Bùi Chờ, gần 70 tuổi, ở tổ 37 cho biết: Thanh niên ở đây không ai thiết tha gì đến nghề biển. Vất vả và thu nhập thấp là nguyên do làm lớp trẻ quay lưng với nghề của cha ông. Trước đây tàu thuyền đậu chật bãi ngang, nay lưa thưa hơn trăm chiếc thúng. Bà con đang lo sắp tới giải tỏa, các hộ ngư dân di dời đi nơi khác, có khi làng nghề không còn. Nói về hoạt động đánh bắt, ông cho biết thêm: Mỗi người một thúng, trên thúng có 6 - 7 tay lưới, tổng chiều dài 300 - 400m, loại có chiều cao khoảng 2m. Máy lắp trên thúng là loại Honda chạy xăng, hoặc máy dầu loại 6 ngựa. 3 giờ sáng xuất bến. Ra cách bờ chừng vài ba hải lý buông lưới và chỉ 3 - 4 tiếng đồng hồ sau kéo lên. Được thua gì cũng chạy về, vào đến bờ khoảng 8-9 giờ sáng. Người nhà đợi sẵn tại bến để gỡ lưới lấy cá, đem bán. Có người chiều đi tối về, cũng có thúng 9 giờ sáng xuất bến, 3 - 4 giờ chiều về. Bữa trúng đậm thu 400.000 - 500.000 đồng, có bữa không đủ bù tiền xăng dầu. Hỏi ông, gần 70 tuổi rồi, có còn ra biển? “Có chứ, ngày nào chả đi. Không đi lấy đâu chi tiêu cho đời sống. Ngư dân chỉ ở nhà những bữa sóng to, gió lớn”, ông nói.

Gặp ông Lê Giỏi, 61 tuổi, ở tổ 35 khi ông đang kéo thúng máy xuống nước để ra biển. Dừng lại trong chốc lát, ông tâm sự: “Con cái chẳng đứa nào màng tới nghề này. Bữa nào tôi cũng ra biển một mình. Thu nhập không nhiều, nhưng không đi chẳng có gì để chi tiêu. Bây giờ đi chỉ 4 - 5 tiếng sau vào. Mỗi chuyến như vậy, hết lít xăng chứ mấy”. Ông cho biết bám biển hơn 40 năm nay, chưa thấy được hỗ trợ thứ gì. Phao cứu sinh cũng phải mua 70 nghìn đồng. Bà con làng chài này hầu như chẳng ai vay được tiền để mua sắm lưới, nâng cấp thúng. “Trước đây tôi ở trong đội chuyên đánh bắt cá cơm than. Nay nghề đó đã trả về với tổ tiên. Ngư dân lớn tuổi chúng tôi, mỗi người một thúng, ngày ra biển một chuyến, được thua nhờ trời”, ông bộc bạch chân tình.

Hoạt động đánh bắt hải sản ở làng chài Nam Ô 2 đang có nguy cơ mai một dần. Hiện cả làng chỉ còn 3 thuyền gỗ, nhưng đều nằm trên cạn. Ông Trương Văn Đô, Bí thư chi bộ khu vực Nam Ô 2, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam cho biết, hiện tại làng nghề có 140 thúng máy, đồng nghĩa với 140 ngư dân đang hoạt động nghề biển. Nói đánh bắt gần bờ, song không hề ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản bởi đánh bắt bằng lưới thả. Tuy thu nhập không cao, song hoạt động này là nguồn sống chủ yếu của hàng trăm gia đình. Ngoài 140 ngư dân, có vài ba trăm người đang làm nghề tiêu thụ, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Nếu như nghề biển ở Nam Ô mai một, khó khăn về đời sống sẽ rất gay gắt, bởi ngoài nghề biển, họ không biết làm gì. Hy vọng chính quyền các cấp, cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ kịp thời để ngư dân yên tâm, phấn khởi bám biển, có điều kiện mua sắm ngư lưới cụ và nâng cấp phương tiện đánh bắt.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU
 

;
.
.
.
.
.