Quý 4 hằng năm là dịp các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm ngân hàng để vay vốn, dữ trự hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, gần cuối năm nay, các ngân hàng phải đổ xô “săn” tìm khách hàng, từ các doanh nghiệp sản xuất đến các hộ buôn bán và cả người tiêu dùng.
Giảm giá nhưng vẫn vắng khách. |
Khó cho vay
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP, các tổ chức tín dụng đã hình thành các chương trình, sản phẩm mới. Bắt đầu từ tháng 4-2012, các ngân hàng ồ ạt tung ra các chương trình, sản phẩm mới là các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chế biến hàng xuất khẩu, hộ sản xuất kinh doanh cá thể thuộc tất cả các ngành nghề. Chẳng hạn như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có 5 gói hỗ trợ với tổng quy mô hỗ trợ là 18.000 tỷ đồng và 700 triệu USD, Ngân hàng NN&PTNT tung ra 4 gói hỗ trợ 16,5 ngàn tỷ đồng và 200 triệu USD. Ngân hàng Công thương Việt Nam trội hơn, có đến 10 gói hỗ trợ, trong đó có nhiều gói hỗ trợ quy mô không hạn chế... Để bảo đảm triển khai các chương trình này, các tổ chức tín dụng đã huy động lượng tiền gửi khá lớn với hy vọng đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố vẫn tăng liên tục, bình quân 2%/tháng, trong khi đó, hoạt động cho vay tăng trưởng rất thấp, dư nợ giảm dần, dẫn đến tình trạng “tồn kho” của các tổ chức tín dụng cao. Vào tháng 7-2012, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố là 49.000 tỷ đồng nhưng đến cuối tháng 10, tổng dư nợ chỉ còn 46.000 tỷ đồng.
Khi được hỏi dự định vay vốn của các hội viên trong dịp Tết năm nay, ông Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Phước Tiến chia sẻ: “Nếu xem xét kỹ thì gói hỗ trợ nào của các ngân hàng cũng có lãi suất ưu đãi cho kỳ hạn dưới 3 tháng, kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao. Người làm ăn đàng hoàng không muốn vay để đầu tư gì vào thời điểm này vì sợ lãi suất tăng vọt, không ổn định, còn ngân hàng định giá tài sản doanh nghiệp để cho vay ngày càng giảm. Ở lĩnh vực sản xuất nào, ngành nào cũng cần vốn vay ít nhất là 6 tháng, nhưng nghịch lý là các tổ chức tín dụng chỉ khuyến khích ưu đãi cho vay dưới 3 tháng và với chu kỳ này, chỉ vay để kịp đáo hạn nợ mà thôi”. Còn ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng: “Thực trạng làm ăn của doanh nghiệp cuối năm nay rất bi đát. Ngân hàng cho vay lãi suất từ 13% đến 15% nhưng doanh nghiệp cũng không muốn tiếp cận. Bởi vay vốn thì phải có khả năng xoay vòng vốn, bán được hàng, thu hồi được nợ”.
Sức mua giảm mạnh
Theo dự báo của ngành Công thương trong cả nước, sức mua hàng hóa trong dịp Tết Quý Tỵ sẽ giảm từ 10% đến 20%, tùy từng vùng. Điều này đã khiến cho các doanh nghiệp khá thận trọng trong việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ.
Doanh nghiệp thương mại tư nhân Nhựt Độ tại quận Hải Châu thường có lượng hàng trữ khá lớn cho dịp Tết mỗi năm. Tuy nhiên năm nay, doanh nghiệp chỉ dự trữ 50% so với năm ngoái vì theo bà Độ, sức mua của người dân trong năm nay đã giảm hơn 50%. Người tiêu dùng luôn tính toán, cân nhắc và so đo khi mua bất cứ sản phẩm gì, trừ thuốc chữa bệnh và sữa cho trẻ em. Do đó, doanh nghiệp của bà cũng không có nhu cầu vay vốn ngắn hạn trữ hàng như mọi năm.
Trên thị trường, trong những tháng cuối năm đã xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thời trang, giày dép, thực phẩm chế biến… giảm giá cực sốc, đến 50%, để đạt được mục tiêu “vứt hàng, cứu tàu” và tạm dừng sản xuất.
Hàng loạt khó khăn của doanh nghiệp càng làm tăng áp lực về doanh số và khả năng hấp thụ lượng tiền tồn kho đối với các tổ chức tín dụng trong thời điểm cuối năm. Trong những ngày này, khó có thể tìm thấy nhân viên tín dụng nào ngồi yên trong văn phòng. Ngoài việc săn tìm doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, các ngân hàng còn gửi tin nhắn đến các thuê bao di động thông qua hệ thống tổng đài để mời chào cả cho vay tiêu dùng với lãi suất chỉ 12,5%/năm.
Nếu không có đợt sóng kích cầu mạnh vào dịp cuối năm này thì doanh nghiệp và ngân hàng khó có thể tiêu thụ được lượng hàng, tiền tồn kho. Và một khi nhu cầu của ngân hàng và doanh nghiệp chưa gặp nhau thì chưa thể có hy vọng tạo đà cho phát triển sản xuất năm sau.
Bài và ảnh: THU PHƯƠNG