.

Phát triển nông nghiệp đô thị

.

Sau khi giải tỏa, chỉnh trang đô thị vào năm 2000, Đà Nẵng mất khoảng 4.000ha đất nông nghiệp; 6 quận của thành phố không còn vườn, ao, chuồng để làm kinh tế theo mô hình VAC truyền thống. Phải chuyển đổi mô hình là một chuyện, nhưng việc sản xuất hàng hóa để đạt giá trị thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên không dễ.

Kinh tế vườn trang trại đem lại thu nhập cao.
Kinh tế vườn trang trại đem lại thu nhập cao.

Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị đã nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển nông nghiệp của thành phố. Đến một số nơi, nghe bà con nông dân kể về những vụ mùa “ăn nên làm ra”, những mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả với nụ cười rạng rỡ khiến chúng tôi cũng vui lây. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội.

Đến phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, ai cũng thán phục gia đình anh Võ Văn Bộ, người làm giàu bằng kinh tế VAC. Với mô hình nuôi ba ba, cá nước ngọt, nuôi heo hiệu quả, mỗi năm gia đình anh thu trên 500 triệu đồng. Nhiều năm liền, anh được công nhận là Nông dân sản xuất giỏi. Anh Bộ kể, những ngày đầu còn gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm và thiếu vốn. Sau thời gian dài cần cù lao động, tích lũy từng đồng vốn theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình anh đã có nguồn thu nhập cao từ mô hình này. Kết quả ấy đã tiếp thêm cho anh động lực và niềm tin về hướng đi đúng để tiếp tục quyết tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Hay mô hình trồng nấm, nuôi dế kết hợp với phát triển trang trại du lịch sinh thái của chị Vũ Thị Kim Liên ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, cũng đem lại nguồn thu nhập khá. Mỗi năm gia đình chị thu về trên 200 triệu đồng, thu nhận một số lao động ở địa phương.

Những hộ làm ăn giỏi như gia đình anh Bộ, chị Liên được các cấp Hội Nông dân chọn làm gương sản xuất tiêu biểu, truyền nghề cho bà con với cách thức đơn giản, thường là “người thực việc thực” từ chính mảnh vườn nhà mình. Quy mô của những “lớp học” này tuy nhỏ nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao tay nghề cho nông dân, từ đó nâng cao thu nhập. Từ hai bàn tay trắng vươn lên, hiện nay một số nông dân trở thành chủ trang trại, chủ nhà vườn ở các quận, huyện ngoại thành.

Xây dựng nông nghiệp đô thị được bắt đầu bằng những “mẹo nhỏ”. Vụ đông xuân là vụ rau màu chính dễ làm, năng suất cao nhưng thu nhập không cao vì giá rẻ. Trái lại, vụ hè thu, rau màu khó làm, sâu bệnh nhiều nhưng giá bán cao gấp 2-3 lần. Tận dụng “nghịch lý” trên, Hội Làm vườn thành phố đã vận động hội viên mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất rau an toàn, rau trái vụ.

Ông Lê Ba, Chủ tịch Hội Làm vườn thành phố đã khẳng định: “Phải hiểu đúng về vườn-ao-chuồng (VAC) đô thị thì mới có cách làm hay được”. Theo ông, VAC đô thị không đơn giản là mấy chậu cây, cá cảnh mà hoàn toàn có đủ điều kiện trở thành VAC hàng hóa nếu biết tận dụng tốt mọi điều kiện về không gian, đất đai, mặt nước để sản xuất. Cũng làm cây cảnh, nhưng bà con ở quận Hải Châu đã biết gắn sản xuất với dịch vụ. Ngoài kinh doanh bonsai, bà con còn nhận cây cảnh về chăm sóc cho các gia đình, các công sở, hoặc mở dịch vụ cho thuê cây cảnh vào các dịp lễ, Tết. Anh Nguyễn Hoàng (phường Hòa Cường) đã đi nhiều địa phương tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và trồng thử nghiệm nhiều loại hoa quý, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng. Số hội viên có thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm tăng dần và 100 triệu đồng/ha là mục tiêu nhiều người hướng đến.

Việc chuyển đổi từ làm vườn truyền thống sang làm vườn đô thị xuất hiện không ít hộ ở nội thành đã sáng tạo ra nhiều “vườn trong phố, phố xen vườn” khá hấp dẫn, vừa đẹp về thẩm mỹ, vừa bảo đảm thu nhập. Nhiều người ở một số phường đã tận dụng đất dự án chưa sử dụng, thuê đất trồng hoa, rau màu đều cho thu nhập khá.

Với những cách làm hay và sáng tạo, mô hình kinh tế VAC đô thị đang phát triển rộng rãi và bền vững. Đà Nẵng đang trong quá trình đô thị hóa thì việc phát triển mô hình VAC đô thị là hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo và từng bước làm giàu.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.