Hỏi, ghi chép, rồi... lặng lẽ bỏ đi là hình ảnh thường thấy của rất nhiều người lao động tại phiên giao dịch việc làm sáng 1-12 ở Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng.
Dù đã gần trưa nhưng số người đến tìm việc tại chợ việc làm hằng tháng ở Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng (quận Cẩm Lệ) vẫn còn khá thưa thớt, phần lớn là sinh viên.
Lao động tìm việc ở phiên giao dịch việc làm Đà Nẵng cuối năm chủ yếu để khảo cứu và tìm thông tin. |
Tìm việc thời vụ
Lê Thị Mai, sinh viên Trường CĐ Công nghệ chăm chú lật từng tập thông tin tuyển dụng lao động (chủ yếu lao động thời vụ hoặc bán thời gian) được treo ngay trước cửa ra vào. “Tôi muốn tìm công việc làm thêm bán thời gian, hoặc làm theo ca để kiếm tiền về Tết. Tuy nhiên, từ sáng đến giờ vẫn chưa tìm được công việc nào phù hợp, mức lương cũng thấp quá”, Mai thở dài.
Còn Lê Văn Hùng, sinh viên Trường CĐ Phương Đông lại khá hài lòng với sự lựa chọn công việc bán bánh tại một cơ sở tư nhân. Hùng chia sẻ: “Một ngày chỉ làm việc từ 18 - 21 giờ với mức thu nhập hơn 1,5 triệu đồng thì cũng được. Nếu bán được nhiều, thu nhập sẽ cao hơn”. Hùng cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán còn khoảng hơn 2 tháng nữa, nếu kiếm được số tiền trên thì có dư tiền đón xe về Quảng Bình ăn Tết và có thể mua quà cho người thân.
Ngoài phần lớn những sinh viên đến để tìm việc làm thời vụ, nhiều lao động tham gia sàn giao dịch việc làm cũng chỉ để tham khảo và tìm kiếm thông tin. “Tôi đang làm cho một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh. Lần này về thăm nhà ở Đà Nẵng, tôi chỉ muốn dạo chợ việc làm để xem cho biết, nếu tìm được việc hấp dẫn và phù hợp mới về, nhưng xem chừng khó quá!”, vừa nhanh tay tìm thông tin trên máy tính, Nguyễn Ngọc Hậu (24 tuổi, ở quận Thanh Khê) thổ lộ.
Phiên giao dịch việc làm sáng 1-12 có 44 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với khoảng hơn 1.300 lao động. Song, hầu hết đều tuyển các việc bán thời gian, việc làm thời vụ như: nhân viên bán hàng, nhân viên tư vấn, nhân viên phục vụ nhà hàng, bảo vệ, nhân viên chăm sóc khách hàng... Kết thúc phiên giao dịch, chỉ có khoảng 500 lao động tìm được việc, chủ yếu vẫn là việc làm thời vụ.
Thiếu chiến lược tuyển dụng dài lâu
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Đà Nẵng cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng tuyển lao động làm thời vụ, không cố định, trong khi tâm lý người lao động muốn có công việc ổn định lâu dài, dù chỉ là lao động phổ thông. Vì vậy, người lao động không mặn mà”.
Cũng theo ông Trí, sàn giao dịch việc làm cuối năm thường trầm lắng hơn bình thường bởi vào dịp cuối năm, doanh nghiệp tuyển cũng chỉ để bù đắp lượng lao động thiếu hụt thường xuyên hoặc phục vụ cho các đơn hàng mới chuẩn bị Tết chứ ít có ý định tuyển lao động trình độ, tay nghề để làm việc lâu dài. Còn người lao động lúc này hầu hết vẫn cố gắng làm nốt việc ở đơn vị hiện tại để chờ tiền thưởng Tết, tiền tăng ca để về quê chứ ít có ý định “nhảy việc” hoặc tìm việc mới.
Không có mặt tại phiên giao dịch nhưng vẫn đăng bảng rao tuyển dụng với số lượng lao động phổ thông khá nhiều như: Công ty Dây cáp điện ô-tô Yaneyaza (Hòa Cầm) tuyển 700 lao động phổ thông, Công ty Mabuchi chuyên sản xuất mô-tơ điện tuyển 300 lao động, Công ty May Hữu Nghị tuyển 500 lao động... với mức lương dao động khoảng từ 2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Đây hầu hết là những đơn vị chưa tuyển được người từ các phiên giao dịch việc làm trước đó.
Không chỉ ít người “bán”, các phiên giao dịch việc làm trầm lắng còn do vắng cả người “mua” ở những phần việc yêu cầu trình độ cao. Điều đó một phần do thực trạng thừa lao động phổ thông, thiếu lao động kỹ thuật. Phần nữa vì doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch chủ yếu để giải quyết nhu cầu lao động tức thời chứ chưa phải là những doanh nghiệp có kế hoạch, chiến lược dài lâu.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ