Trải qua nhiều công đoạn, công đoạn nào cũng hết sức tỉ mỉ, công phu, cây hoa cúc lớn lên mỗi ngày gắn liền với bao mồ hôi, công sức của người trồng hoa.
Ông Nguyễn Văn Mỹ chăm chút cúc “ngoại hạng”. |
Gần 70 hộ nông dân ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) trước đây chuyên trồng hoa, sau khi không còn đất sản xuất theo tiến trình đô thị hóa, đã tận dụng canh tác tại các lô đất chưa xây dựng công trình trên địa bàn phường. Những khu đất trước đây cây cỏ um tùm bây giờ trở thành những vườn hoa xanh tốt, vừa đem lại thu nhập cao cho người trồng hoa, vừa góp phần làm đẹp phố phường.
Chủ động phòng trừ sâu bệnh
Hoa cúc trồng chậu để bán dịp Tết phải làm đất tơi xốp, trộn với phân chuồng hoai mục và xơ dừa, rồi mới trồng cây con (từ đầu tháng 8 âm lịch). Cây cúc lớn lên mỗi ngày gắn với bao mồ hôi, công sức của người trồng hoa, từ tưới nước, bón phân, chong đèn, cho đến bấm đọt, cắm que, lặt búp…, công đoạn nào cũng hết sức tỉ mỉ, công phu.
Từ 3 giờ sáng hằng ngày, bà Trần Thị Cơ đã đến tưới hoa tại khu đất cạnh đường Lương Nhữ Hộc, rồi miệt mài chăm sóc hoa cho đến tối mịt mới nghỉ. Do ở gần ngã ba đường, đèn điện sáng suốt đêm, bà phải mua lưới căng lên trên vườn hoa, che bớt ánh sáng điện, nhằm “canh” cho hoa nở đúng dự kiến.
Hằng tuần, người trồng hoa phải chủ động phòng trừ sâu bệnh và những người cùng trồng hoa trong một khu vực phải đồng loạt phun thuốc trừ sâu mới có tác dụng tốt, bởi nếu không phun đồng loạt thì sâu bệnh sẽ bay từ đám này sang đám khác. Anh Nguyễn Thành Chiến trồng 2.000 chậu cúc các loại trên khu đất tại góc đường Nguyễn Hữu Thọ và 30 tháng 4 cho biết, cúc thường bị sâu bệnh khi thời tiết thay đổi, nhiều nhất là rầy trắng, đạo ôn, nhện đỏ…, mỗi loại có cách phòng trừ khác nhau, nếu phun nhầm thuốc thì sâu không chết mà hoa lại khô chết...
Chậu hoa cúc 2,5 triệu đồng
Đứng trên ghế, ông Nguyễn Văn Mỹ (trồng hoa tại khu đất cuối đường Vũ Hữu) còn phải với hết tầm tay mới chăm chút được phần ngọn các chậu hoa cúc “ngoại hạng”. Chậu hoa cao khoảng 1,5m và to đến hai vòng tay ôm không xuể. Mỗi chậu có đến 30 cây cúc, mỗi cây có 3 nhánh, lá tươi xanh từ gốc đến ngọn mà chỉ những người lão luyện trong nghề mới trồng được. Ông Mỹ cho biết, những chậu hoa to này đã có người đặt mua, mỗi chậu 2,5 triệu đồng và không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài những chậu hoa “khủng” này, ông Mỹ còn trồng hàng ngàn chậu cúc các loại, dự kiến giá từ 100.000 - 400.000 đồng/chậu và theo ông chắc chắn sẽ nở đúng Tết.
Cách đó không xa, chị Trần Thị Thảo trồng hơn 2.000 chậu cúc loại trung, chậu nào chậu ấy cân phân, lá, cành xanh mướt, ai nhìn cũng thích. Những năm qua, cúc do chị Thảo trồng đều nở đúng Tết, thương lái tranh nhau mua. Năm nay, chị cũng khẳng định: “Cúc sẽ nở đẹp và không thể trật Tết”. Chị Thảo vốn là thợ may giỏi. Người anh muốn chị theo nghề may, nhưng chị vẫn gắn bó với nghề trồng hoa. “Hằng tháng, trồng hoa cúc đất và rau đậu các loại, tôi bán được hơn 5 triệu đồng, riêng vụ hoa Tết mỗi năm bán hơn 100 triệu đồng. Nếu làm công nhân may chắc chắn không thể có mức thu nhập ấy!”, chị Thảo chia sẻ.
Nhiều người trồng hoa ở Hòa Cường Bắc cho biết, hiện nay hoa cúc chậu nhỏ đã có thương lái đến hỏi mua sỉ tại đám giá 150.000 đồng/cặp, loại trung được ướm giá 300.000 đồng/cặp, nhưng họ chưa đồng ý bán…
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM