Mức thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động (NLĐ) năm nay ít nhiều bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền lương, vì vậy Công đoàn các cấp phải quan tâm đến người lao động nhiều hơn.
Người lao động Công ty Mabuchi Motor (Nhật Bản) luôn chờ đợi thành quả cuối năm. |
Tăng lương, giảm thưởng
Từ ngày 20-1-2013, Nghị định 103/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động” có hiệu lực. Theo đó, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đà Nẵng tăng từ 1.780.000đồng/tháng lên 2.100.000 đồng/tháng. Đây là tin vui đối với NLĐ nhưng lại là áp lực khá lớn đối với DN.
Ông Trương Ngọc Hùng, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố cho rằng, “Nghị định 103 ra đời vào thời điểm quá nhạy cảm: Nghị định vừa được ban hành cuối năm 2012 và có hiệu lực ngay đầu năm 2013, gây đột ngột đối với cộng đồng DN. Lý do là kế hoạch tiền lương cho năm tài chính 2013 đã được các DN hoàn thành từ tháng 10 hoặc tháng 11 năm 2012. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, DN chỉ lo tính toán mức thưởng cho NLĐ mà thôi.
Việc thực hiện Nghị định 103 đang làm cho DN rơi vào tình trạng lúng túng, bị động vì phải điều chỉnh thang lương, bảng lương và toàn bộ kế hoạch hoạt động tài chính. Đối với rất nhiều DN đang trong tình trạng khó khăn do thu hẹp sản xuất sẽ càng thêm gánh nặng chi phí tiền lương. Điều này chắc chắn ảnh hưởng, làm giảm mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay của NLĐ”.
Chia sẻ với người lao động
Thông thường, mức thưởng thấp nhất hằng năm luôn rơi vào một số DN sử dụng nhiều lao động phổ thông. Chị N.N.Sen, công nhân may mặc trong Khu Công nghiệp Hòa Khánh đã từng “nhảy việc” qua 3 công ty cho biết: “Tết Nguyên đán năm nào tiền thưởng của tôi cũng không đủ mua vé xe về quê. Ở đâu đó trên truyền hình, tôi nghe có DN thưởng cả vài trăm triệu mà chạnh lòng và không thể nào tin lại có sự chênh lệch lớn đến thế. Mong ước của tôi cũng như rất nhiều công nhân trong xí nghiệp là được chủ DN và tổ chức Công đoàn quan tâm hơn đến đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ vốn đã quá thiệt thòi”.
Có thể nói, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của “bão” kinh tế trong năm 2012 là những DN sản xuất vật liệu xây dựng, vì đầu ra “đóng băng”. Dù vậy, chủ DN vẫn trách nhiệm với NLĐ, “thà chịu đói, bán hàng rẻ, hoặc hòa vốn, thậm chí bán thua lỗ để bảo đảm đồng lương tối thiểu cho cán bộ, công nhân và NLĐ phải có Tết”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Thạch Bàn miền Trung khẳng định.
Những ngày này, công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền, chăm lo của các tổ chức Công đoàn đối với NLĐ có ý nghĩa động viên họ cùng chia sẻ với những DN đang gặp khó khăn. Liên đoàn Lao động các cấp và Công đoàn ngành đã chuẩn bị trợ cấp trên 650 suất quà cho những NLĐ là đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị thôi việc do DN giải thể. Bên cạnh đó, Công đoàn một số DN tổ chức xe đưa công nhân về quê ăn Tết.
Với 44 ngàn lao động tại các DN có tổ chức Công đoàn trong khu công nghiệp trên địa bàn thành phố thì mức trợ cấp của Công đoàn là không nhiều nhưng cũng phần nào thể hiện sự quan tâm của Công đoàn các cấp để NLĐ đón Tết với tinh thần phấn khởi hơn và sẵn sàng cho một năm mới làm việc khí thế hơn.
Bài và ảnh: THU PHƯƠNG