.
CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG VÀNH ĐAI PHÍA NAM

Giải tỏa quyết định tiến độ thi công

.

Công trình Đường vành đai phía Nam là một trong những hạng mục thuộc Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng. Công trình có tổng chiều dài 6,47 km đi qua địa bàn xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang), các phường Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Điểm đầu tuyến giao với quốc lộ 1A tại Hòa Phước, điểm cuối tuyến giao với đường An Nông thuộc Khu dân cư Tân Trà nối ra đường Trường Sa. Trên tuyến có 2 cầu, gồm cầu Hòa Phước và cầu Cổ Cò. Phần đường của công trình (gói thầu C58) do Liên danh Công ty CP Xây dựng 545 và Công ty TNHH DV-TM-XD Đông Mê Công thi công.

Thông tuyến đoạn nối với đường Trần Đại Nghĩa.
Thông tuyến đoạn nối với đường Trần Đại Nghĩa.

Đến nay, công trình đã thi công được gần 6 tháng, đạt khoảng 1/3 khối lượng công việc, trong đó phần đường đạt gần 32%, phần cầu gần 30%. Gói thầu C58, các đơn vị thi công đã hoàn thành công tác bóc đất hữu cơ, đắp nền đường, đang triển khai lắp đặt cống thoát nước dọc, cống kỹ thuật qua đường... Các khớp nối quan trọng của tuyến đường với các đường chính như điểm nối với đường Trần Đại Nghĩa, đường Nguyễn Tri Phương (nối dài) và đường dẫn vào 2 cầu Hòa Phước và Cổ Cò đã được khơi thông, thuận lợi cho việc thi công các hạng mục tiếp theo. Một tuyến đường khang trang đã lên hình dáng, góp phần làm thay đổi cảnh quan cả một vùng ven phía nam thành phố Đà Nẵng như rộng thêm ra.

Tuy nhiên, từ gần 1 tháng nay, việc thi công tuyến đường này hầu như ngừng trệ. Ông Nguyễn Văn Có, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Xây dựng 545, cho biết: Hiện tại công ty có hàng chục xe tải, xe xúc, xe ủi... nằm chờ mặt bằng, gần 100 công nhân không có việc làm, mỗi ngày các đơn vị thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng không theo kịp với tiến độ thi công công trình. Đoạn đường qua tổ 58, Mân Quang, phường Hòa Quý là một ví dụ. Để bảo đảm tiến độ, đơn vị thi công đã phải triển khai công việc theo hình thức cuốn chiếu và làm đường công vụ qua đây để vận chuyển vật liệu. Đến cuối năm 2012, phần lớn khối lượng san ủi của toàn tuyến đã được giải tỏa xong, chỉ còn khoảng 10% chiều dài tuyến chưa có mặt bằng, đơn vị thi công đành để xe, máy nằm chờ. Điều đáng nói, việc chậm trễ thi công và giải phóng mặt bằng, lý do không phải từ phía người dân. Anh Lê Văn Lý, tổ 59, Mân Quang, phường Hòa Quý cho biết: “Nhà nước làm tuyến đường này tôi rất phấn khởi, nhưng tôi không hiểu sao mình vẫn chưa được áp giá, đền bù để di dời”. Vì thế gia đình anh không yên tâm làm ăn, nguyện vọng của anh là muốn sớm được áp giá đền bù để gia đình nhanh chóng ổn định chỗ ở, làm ăn. Không chỉ riêng trường hợp của gia đình anh Lý, mà 18 hộ dân khác ở khu vực này và dọc tuyến cũng muốn di dời sớm để ổn định cuộc sống và nơi ở nhưng vẫn đang trong tình trạng chờ đợi.

Theo báo cáo của Ban quản lý Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên, đến nay, trong lòng tuyến thi công cầu và đường còn 122 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng (107 hồ sơ nhà, 15 hồ sơ đất nông nghiệp). Tổng số tiền chi trả  cho đền bù giải tỏa đến nay là 31,422 tỷ đồng, còn lại khoảng 14,5 tỷ đồng chưa có kinh phí. Bà Lê Thị Nhung, tổ 59, Mân Quang, phường Hòa Quý là một trong 122 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng trong phạm vi lòng đường thi công cho biết: Gia đình tôi cũng như hầu hết các hộ dân ở đây rất vui mừng về chủ trương xây dựng tuyến đường này và sẵn sàng di dời đến nơi ở mới để cho tuyến đường hoàn thành. Nguyện vọng duy nhất của gia đình tôi là sớm nhận được tiền đền bù để di chuyển đến nơi ở mới.

Theo kế hoạch, toàn bộ công trình phải hoàn thành trong 18 tháng (đến ngày 13-1-2014). Nhưng đến nay, đã hết 1/3 thời gian thi công theo hợp đồng. Vì vậy, nếu không kịp thời giải quyết các vướng mắc nêu trên thì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân thuộc diện di dời giải tỏa mà còn làm chậm tiến độ thi công, ảnh hưởng đến cam kết với nhà đầu tư vốn là Ngân hàng Thế giới.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.