Ngày 24-1, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2013 tăng 1,25% so với tháng 12-2012 do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thuốc và dịch vụ y tế tăng cao.
CPI tháng 1-2013 tăng khá lớn nếu so với mức tăng của tháng 12-2012 (chỉ 0,27%) nhỉnh hơn so với mức tăng CPI của của tháng 1-2012 (1%).
Trong 11 nhóm hàng thì có tới 10 nhóm tăng, nhóm duy nhất giảm giá là bưu chính viễn thông giảm 0,05%. Các nhóm tăng khá mạnh, cao nhất là thuốc và dịch vụ y tế tăng tới 7,4%.
Nhóm có quyền số cao trong rổ tính CPI là Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,34%. Phân tích cụ thể nhóm này thì mặt hàng lương thực tăng khá nhẹ 0,15% trong khi thực phẩm tăng mạnh ở mức 1,96%. Nhóm hàng may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,3%, các nhóm hàng khác tăng ở mức bình thường.
Theo bà Trần Thị Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh là do vừa qua có 11 địa phương bắt đầu điều chỉnh áp giá dịch vụ y tế mới. Còn nhóm hàng thực phẩm tăng lên một phần vừa qua về phía Bắc khí hậu có đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến sản lượng nông sản và rau xanh, ngoài ra một số mặt hàng như thịt cũng bị thiếu hụt cục bộ (thịt lợn chuyển từ miền Nam ra).
Nhìn lại năm 2012, CPI biến động tương đối thất thường đặc biệt trong tháng 9 (tăng 2,2%) do tăng giá đột biến của nhóm thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục. Nhưng sau khi Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá, tốc độ tăng CPI có xu hướng chậm dần.
Đại diện Tổng Cục Thống kê nhận định kỳ tính CPI tới khi vào sát đúng dịp Tết thì giá thực phẩm, dịch vụ có thể tiếp tục có biến động. Điều này đặt ra yêu cầu về bình ổn giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dịch vụ trong Tết cần phải thực hiện bài bản, hiệu quả.
Không tính trong rổ hàng hóa nhưng Tổng cục Thống kê công bố thêm giá vàng tháng 1-2013 giảm 1,73% và giá USD giảm 0,08% so với tháng 12-2012.
Chinhphu.vn