.

“Đắp chiếu” bến xe đầu tư cả trăm tỷ đồng

.

(ĐNĐT) - Sau hơn 3 tháng đưa vào hoạt động, bến xe phía Nam thành phố Đà Nẵng do Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư cả trăm tỷ đồng vẫn trong tình trạng không một bóng xe ra vào bến.

Nhà xe chê bến hiện đại

Vào những ngày cuối năm, bến xe trung tâm thành phố nằm trên đường Tôn Đức Thắng, phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) luôn tấp nập xe ra vào, thế nhưng ngược lại, ở bến xe phía Nam thành phố Đà Nẵng, nơi được đầu xây dựng hiện đại, không gian thoáng đãng, nằm ngay trên trục đường quốc lộ 1A thuộc xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) lại trong cảnh vắng tanh như chùa bà Đanh.

Nhà chờ được xây dựng rất khang trang nhưng hơn 3 tháng nay không có một hành khách
Nhà chờ được xây dựng rất khang trang nhưng hơn 3 tháng nay không có một hành khách

Bến xe phía Nam Đà Nẵng được Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư với kinh phí hơn 135 tỷ đồng, là bến xe loại 1 theo quy chuẩn và bắt đầu hoạt động từ ngày 24-9-2012. Ngoài bến xe chính với lưu lượng xe ra vào bến từ 120-150 xe/ngày, còn có các công trình phụ trợ như nhà ga hành khách, trung tâm điều hành, khách sạn, trung tâm thương mại dịch vụ, xưởng sửa chữa ô tô, hệ thống xử lý vệ sinh, nước thải và các công trình phụ trợ khác với hệ thống ánh sáng hiện đại và cây xanh đảm bảo mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.

Ngày 11-1, chúng tôi có mặt tại bến xe này cả ngày. Thế nhưng trước cổng ra vào, hành lang, nhà chờ, bãi đỗ xe theo tuyến của bến xe phía Nam Đà Nẵng không một bóng người cũng như chẳng hề có một chiếc xe ô - tô nào ra vào bến. Quan sát cho thấy, bến xe này được xây dựng khá khang trang, hiện đại với đầy đủ các hạng mục công trình như: Nhà chờ, phòng bán vé, bãi đỗ xe theo tuyến, các công trình dịch vụ tiện ích… Nhưng tất cả lại im lìm, vắng vẻ dù trong những ngày cuối năm.

Đối nghịch với khung cảnh trên, bến xe trung tâm lại tấp nập xe ra vào; thậm chí ở thời điểm cuối năm thường quá tải. Theo các nhà xe đăng ký chạy tuyến Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi lần đón khách từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng, đa số hành khách đều nói, nếu xe về bến trung tâm thành phố thì họ mới lên xe. Còn về bến phía Nam là họ lơ liền. “Phải nói bến xe phía Nam được đầu tư rất hiện đại. Hiện đại từ khu vực để xe đến phòng bán vé, phòng chờ hành khách và cả khu vực vệ sinh công cộng… Chúng tôi cũng muốn đăng ký vào bến phía Nam, thế nhưng do bến xe cách trung tâm thành phố xa quá, hơn nữa hành khách đi xe lại thích về bến trung tâm”, anh Quyết (chủ xe chạy tuyến Bình Định - Đà Nẵng) cho hay.

b
Một góc bến xe trở thành sân chơi bóng

Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày cuối năm do lượng xe đổ dồn quá nhiều về bến trung tâm nên đã dẫn đến tình trạng bến xe này luôn quá tải. Bên cạnh đó, rải rác dọc tuyến quốc lộ 1A từ đoạn ngã ba Huế đến ngã ba Miếu Bông (cách bến xe phía Nam Đà Nẵng vài km), xe theo tuyến, xe dù nghênh ngang dừng đỗ để đón trả khách, gây nên những cảnh tượng bát nháo.

Bất cập ở phân luồng, phân tuyến

Một bến xe được đầu tư xây dựng hiện đại nhưng tại sao lại không thu hút được nhà xe đến với bến? Về vấn đề này, ông Dương Tâm, Phó Giám đốc bến xe phía Nam Đà Nẵng cũng thừa nhận, sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, bến xe phía Nam Đà Nẵng lúc nào cũng vắng hoe, chẳng có một xe nào ra vào bến. Trước đây, có tất cả 30 CBCNV nhưng nay chỉ còn vài người để trông coi, bảo vệ tài sản, còn lại nghỉ việc không lương hết vì bến xe không có xe và khách. Ông Tâm cho biết, bến xe có thể đáp ứng tối đa 500 lượt xe/ngày, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 có thể phục vụ 1.000 lượt xe. Giải thích về tình trạng "vắng vẻ" này, ông Tâm cho rằng, do địa điểm xây dựng bến xe quá xa trung tâm thành phố. Mặt khác, lại không có xe trung chuyển và tuyến xe buýt. Ngoài ra, bến xe chưa được phân luồng, tuyến đúng mức nên chưa có doanh nghiệp vận tải nào đăng ký đậu và xuất bến tại đây. Bên cạnh đó, hiện có 35 hộ dân còn ở phía ngoài mặt tiền, chưa giải tỏa di dời nên mặt ngoài của bến xe bị khuất bởi nhà cửa của những hộ dân này.

quay
Đến khu vực bán vé cũng chẳng có một nhân viên nào

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại tất cả các doanh nghiệp vận tải hành khách đều đăng ký đón và trả khách tại bến xe trung tâm. Nếu các xe khách chạy theo hướng các tỉnh phía Bắc (như Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An) đón và trả khách tại bến xe trung tâm là hợp lý, thì các xe khách chạy theo hướng các tỉnh phía Nam (như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) là bất cập. Điều đó dẫn đến tình trạng quá tải của bến xe trung tâm và gây cảnh tượng bát nháo trên tuyến đường vào trung tâm thành phố.

b
Bến xe phía Nam Đà Nẵng được đầu tư khá hiện đại, nhưng hơn 3 tháng nay chẳng có hành khách và xe nào ra vào bến

Cũng theo ông Tâm, để giải quyết bài toán xe trung chuyển hành khách từ trung tâm thành phố đến bến xe phía Nam, bến xe này đã đưa ra chính sách giảm 30-50% phí dịch vụ như nhà chờ, lệ phí phòng vé, hoa hồng bán vé… cho các doanh nghiệp vận tải để bù chi phí vận chuyển trên. Bên cạnh đó, bến xe cũng tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải về việc trung chuyển khách từ trung tâm ra… Dù vậy, vẫn chưa được các doanh nghiệp vận tải mặn mà. “Vấn đề mấu chốt không phải là bến xe xa trung tâm thành phố, mà ở khâu phân luồng, tuyến sao cho hợp lý của Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng mà thôi!”, ông Tâm nói.

Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Đà Nẵng vào ngày 12-1, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng cho biết, vừa qua Sở đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp vận tải và chủ đầu tư bến xe để tìm hiểu nhu cầu cũng như hướng giải quyết cho hai phía. Về vướng mắc của bến xe Đức Long Đà Nẵng, ông Dũng cho hay, Sở cũng đang có đề xuất UBND thành phố về việc giải quyết dứt điểm công tác đền bù, giải tỏa các hộ dân ở phía bắc bến xe để bàn giao mặt bằng cho Bến xe Đức Long Đà Nẵng thực hiện các bước đầu tư tiếp theo. “Tuy nhiên, quan trọng nhất là đơn vị chủ đầu tư cần phải chủ động phối hợp làm việc cụ thể với các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn để cùng bàn bạc và có hướng thống nhất cụ thể với nhau, tạo điều kiện để bến xe hoạt động có hiệu quả”, ông Dũng nói.

Bài và ảnh: Trọng Hùng - Đắc Mạnh

 

 

;
.
.
.
.
.