Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố sẵn sàng ở tư thế “cần đâu có đó”.
Các siêu thị đã chuẩn bị đầy đủ hàng hóa để phục vụ Tết. (Ảnh chụp tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng chiều 24-1). Ảnh: DUYÊN ANH |
Hàng đầy kho
Mặc dù nhiều siêu thị dự đoán sức mua năm nay tăng không lớn, chỉ khoảng 15 - 25% so với năm trước, nhưng không vì vậy mà kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng bị hạn chế. Siêu thị Co.opMart cho biết: Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay trên toàn hệ thống liên kết với nhau và chỉ cần “alô” một tiếng, nơi nào thiếu hàng cục bộ sẽ được điều đến ngay.
Hiện tại, ngoài những mặt hàng đã trưng bày và nguồn hàng liên tục được chở đến, kho hàng của Co.opMart tại Đà Nẵng chứa hàng chục tấn hàng tiêu dùng. Riêng hàng thực phẩm đông lạnh trong kho với sức chứa khoảng 20 tấn, sẵn sàng “bung ra” khi cần thiết. “Chúng tôi không lo bởi vì ngoài lượng hàng thu mua theo đơn đặt tại địa phương, còn có nguồn hàng từ Liên hiệp HTX thành phố Hồ Chí Minh chở ra bất cứ lúc nào với 700 nhà cung cấp bảo đảm về chất lượng cũng như ổn định về giá cả”, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Co.opMart Đà Nẵng, nói.
Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc thường trực Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố, cho biết: Ngoài sự chủ động từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Sở đã giao cho Công ty Thương mại Dịch vụ Siêu thị Co.opMart phụ trách lực lượng “phản ứng nhanh”, nếu xảy ra thiếu hàng cục bộ nơi nào thì bung hàng ra ngay lúc đó, có xe lưu động đưa tới hẳn hoi, giá cả bình ổn theo tinh thần phục vụ Tết. Lực lượng QLTT thành phố cũng có một đội “phản ứng nhanh” chuyên xử lý các vi phạm trong dịp này. Nếu người dân cần phản ánh về tình hình thị trường thì gọi số máy 0511.3624192. |
Trong khi đó, ngoài những ngành hàng của các nhà cung ứng, Siêu thị Metro có khoảng 2.500 mặt hàng với giá cả cạnh tranh tốt nhất cho người dân sắm Tết, trong đó có tới 90% là hàng Việt. BigC tung ra hàng nghìn mặt hàng giảm giá từ 5 - 45% giúp các bà nội trợ tiết kiệm chi tiêu trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ngoài hệ thống siêu thị bán sỉ và lẻ, toàn thành phố có 85 chợ truyền thống, 27.000 cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh các loại từ tạp hóa, thực phẩm đến các mặt hàng chuyên doanh. Đây được xem là cơ sở hạ tầng thương mại chủ lực phân phối trên 20.000 mặt hàng các loại.
Thành phố đã chỉ đạo Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng dự trữ 1.000 tấn gạo, trị giá khoảng 11 tỷ đồng, để điều phối thị trường khi cần thiết. Đối với mặt hàng thịt heo phục vụ Tết, ông Phạm Đắc Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Đắc Vinh (đơn vị được thành phố giao bán thịt heo thấp hơn giá thị trường từ 10 - 15%), cho hay: “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ triển khai thời gian bán thịt bắt đầu từ 6-16 giờ các ngày, từ ngày 4-2 đến 9-2 (từ ngày 14 đến 29 tháng Chạp âm lịch) tại 13 điểm gồm: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ Đầu mối Hòa Cường, nhà 407 Trưng Nữ Vương, chợ Bắc Mỹ An, chợ Non Nước, chợ Hôm, chợ Mai, chợ An Hải Đông, chợ Siêu thị Nguyễn Kim, chợ Hòa Khánh, chợ Cẩm Lệ. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức hai xe lưu động bán thịt heo bình ổn giá phục vụ nhân dân các khu vực ngoại thành, miền núi trong khoảng thời gian trên”.
Tăng thời gian phục vụ
Ghi nhận của phóng viên tại chợ và siêu thị trong những ngày này, hoạt động buôn bán đã nhộn nhịp hẳn lên so với tuần trước. Những mặt hàng làm nguyên liệu chế biến đặt sẵn như giò, chả, mắm, nem, tré, giỏ hàng Tết đắt khách thấy rõ. Đây là lúc khách hàng cá nhân, cơ quan, xí nghiệp chọn tranh thủ mua trước để làm quà biếu cho công nhân, nhân viên, đối tác của mình… Sức mua thể hiện rõ tại các siêu thị và tập trung những nhóm hàng thực phẩm, bánh kẹo, bia rượu, giỏ quà Tết với sức tăng trên 30% so với ngày thường. Và từ 20 tháng Chạp âm lịch trở đi, nhu cầu mua sắm càng tăng mạnh khi nhà nhà “đưa ông Táo về trời”.
Khi vào ngày cận Tết, Sở Công thương sẽ điều hai xe bán hàng lưu động tại trung tâm hai xã miền núi với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm bảo đảm giá bán lẻ bằng giá bán ở trung tâm thành phố. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, áp Tết, Co.opMart còn đưa tiếp hai chuyến hàng cuối cùng về xã Hòa Ninh và Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) với thời gian “nằm vùng” lâu hơn năm ngoái.
Không chỉ tăng cường thêm quầy tính tiền để khách hàng khỏi chờ lâu, các siêu thị còn tăng thêm thời gian phục vụ vào những ngày cao điểm Tết. Siêu thị BigC sẽ mở cửa sớm hơn ngày thường và kéo dài thời gian bán hàng tới 22 giờ 30 đến 23 giờ hằng ngày từ ngày 23 - 28 tháng Chạp âm lịch. Riêng ngày 29 Tết mở cửa tới 12 giờ trưa và tới sáng mồng 3 Tết hoạt động lại bình thường. Siêu thị Lottemart mở cửa bán hàng thực phẩm xuyên Tết, chỉ nghỉ bán hàng ở tầng 1 (hộ kinh doanh thuê mặt bằng). Co.opMart Đà Nẵng mở cửa đến hết sáng 29 Tết và mồng 4 Tết bán lại từ sáng tới trưa, bắt đầu từ mồng 6 mở cửa bình thường. Hệ thống Siêu thị Intimex mở cửa đến 17 giờ 29 Tết.
Chuẩn bị cụ thể của một số doanh nghiệp thương mại tại Đà Nẵng: - Siêu thị Metro dự trữ khoảng 14 tấn gạo, nếp các loại; 74,5 tấn thịt bò, heo, gà, cá tươi; 382 tấn rau, củ, trái cây các loại; 480 tấn dầu ăn. Ước tổng giá trị hàng hóa gần 55 tỷ đồng. |
Duyên Anh