.

Giá điện tăng, doanh nghiệp kêu khó

.

(ĐNĐT) – Sau gần một tháng điều chỉnh tăng giá điện thêm 5%, không ít doanh nghiệp (DN) càng lún sâu hơn trong bài toán sản xuất kinh doanh và giải quyết hàng tồn kho.

DN than trời…

Đối với những DN sử dụng công nghệ lạc hậu thì chi phí về điện sẽ càng lớn, đồng nghĩa với sản phẩm càng khó cạnh tranh trên thị trường. Ông Nguyễn Nho Chắn, Giám đốc Công ty TNHH Nho Chiến - đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn quận Liên Chiểu cho rằng, ngoài tiền điện, DN còn phải đối mặt với hàng loạt chi phí đầu vào khác như: lãi suất ngân hàng, chi phí nguyên liệu, chi phí vận chuyển, nhân công… Đặc biệt, trong năm 2012, khi thị trường bất động sản “đóng băng”, đầu ra của ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành khai thác đá nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. "Các DN khai thác đá chưa kịp giải quyết bài toán hàng tồn kho, thì bây giờ lại phải “cõng” thêm 5% tăng thêm của giá điện. Đã gần một tháng nay, khi giá điện được điểu chỉnh tăng lên 5%, cộng với hàng làm ra không tiêu thụ, không ít DN khai thác đá đã phải tạm cho công nhân nghỉ việc và đóng cửa mỏ”, ông Chắn nói.

Giá điện tăng thêm 5%,
Do sức tiêu thụ chậm cộng với giá điện tăng thêm 5%, khiến các DN sản xuất VLXD ngày càng ứ đọng hàng tồn kho

Khi giá điện được điểu chỉnh tăng thêm 5%, nhiều DN sản xuất thép đã đưa ra giải pháp tăng giá thành sản phẩm đầu ra. Thế nhưng, do nhóm hàng này năm nay tiêu thụ cũng rất chậm, nên nhiều DN buộc phải giảm giá nhằm duy trì hoạt động DN. Giám đốc một công ty sản xuất thép tại KCN Hòa Khánh cho rằng: Khi giá điện điều chỉnh tăng, chúng tôi cũng đẩy giá thành sản phẩm lên theo giá điện để tránh lỗ. Nhưng do năm nay, sức tiêu thụ sản phẩm thép xây dựng rất chậm nên đâu dám tăng giá. “Giữ giá mà hàng tồn kho vẫn còn đầy ắp, chừ tăng giá lên chắc không biết lấy chỗ nào để chất hàng nữa. Mặc dù là DN sản suất thép có quy mô nhỏ nhưng mỗi tháng tiền điện cũng “nuốt” gần 200 triệu đồng. Cuối năm là thời điểm nhạy cảm khi DN đang chịu nhiều áp lực về lương, thưởng và các chi phí khác, bây giờ giá điện tăng thêm 5%, mỗi tháng DN lại phải mất thêm 10 triệu đồng cho hóa đơn tiền điện”, Giám đốc DN này than vãn.

Người dân lo lắng

Chị Nguyễn Ái Lan, công nhân đang làm việc tại KCN Hòa Khánh: Tháng trước khi mới có thông báo tăng giá điện, chủ nhà trọ đã đến gõ cửa từng phòng nói bóng nói gió là chuẩn bị phải tăng giá nhà, giá điện, nước... Hiện giá điện đã là 2.500 đồng/kwh rồi, giờ Nhà nước tăng thế này thì chắc chủ nhà phải đòi tới 3.000 đồng, đó là chưa kể giá nhà, nước...

Trước khi giá điện được điều chinh tăng thêm 5%, Tập đoàn Điện lực đã khẳng định việc tăng giá điện sẽ không tác động lớn đến sinh hoạt của nhân dân. Cụ thể, các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng giá bán điện vẫn được giữ nguyên là 993 đồng/kWh. Những hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng tăng 6.600 đồng/tháng, sử dụng 150 kWh/tháng tăng 11.000 đồng/tháng, sử dụng 200 kWh/tháng tăng 16.200 đồng/tháng, sử dụng 300 kWh/tháng tăng 27.000 đồng/tháng, sử dụng 400 kWh/tháng tăng 38.200 đồng/tháng.

Thế nhưng, theo người dân, việc tăng giá điện vào dịp cận Tết đã khiến họ không khỏi lo lắng, khi ngoài việc trực tiếp làm đội lên chi phí sinh hoạt hàng tháng của các hộ gia đình, người dân sợ rằng, giá cả các mặt hàng khác cũng leo thang, "ăn theo" một cách tự ý và vô tội vạ.

h
Người dân lo lắng nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ "ăn theo" giá điện tăng lên trong dịp cuối năm

Chị Lê Thị Thanh (quận Hải Châu) cho biết, giá điện tăng đúng vào thời điểm cận Tết, khiến không ít mặt hàng đã "ăn theo" giá điện tăng lên. Đối với hộ gia đình, việc tăng thêm mỗi tháng mấy chục ngàn tiền điện không lớn bằng chi phí tăng thêm của các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết năm nay.  Hi vọng, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý thị trường để hạn chế hiện tượng này.

Theo Thông tư 17/2012 của Bộ Công thương, kể từ ngày 22-12, giá bán điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 5%. Cụ thể, giá điện bình quân tăng từ 1.369 đồng/kWh lên 1.437 đồng/kWh (tăng khoảng 5%) và được áp dụng từ ngày 22-12. Giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang có mức tăng từ 66-115 đồng/kWh tuỳ mỗi bậc thang, riêng bậc thang đầu tiên dành cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên ở mức 933 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện cho sản xuất đối với cấp điện áp từ 110kV trở lên trong các giờ cao điểm, bình thường và thấp có giá từ 754 -2.177 đồng/kWh; tương tự đối với cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV có giá 783 - 2.263 đồng/kWh... Như vậy, trong năm 2012, giá điện có hai lần điều chỉnh mức tăng 5% (lần tăng giá điện gần nhất là 1-7-2012).

Bài và ảnh: Trọng Hùng

 

 

 

;
.
.
.
.
.