.

Hàng lậu, hàng nhái “tấn công” vùng ven

.

(ĐNĐT)- Cứ tầm 2-3 giờ chiều, “đội quân” bán hàng di động lại tỏa về các xã, phường vùng ven thành phố. Đánh vào tâm lý thích giá rẻ của người dân nông thôn, giới buôn bán hàng giả, hàng nhái lại có “đất” để bùng phát.

Hàng hiệu giá bèo

Trải mấy tấm ni lông tạm bợ xuống nền đất ở ngã ba chợ Hòa Liên, 3 - 4 chủ hàng bày la liệt các mặt hàng thời trang quần áo, nịt lưng, ví da, túi xách, giày dép… chào mời người đi chợ. Thoáng thấy chúng tôi dựng xe ngó nghiêng, chị bán hàng liền ngoắc tay lại giới thiệu: “Hàng cao cấp giá rẻ bất ngờ đây. Mới 100% vừa bền vừa đẹp”. Sà xuống lựa chọn một hồi và quan sát, hầu hết các mặt hàng ở đây đều gắn nhãn mác thương hiệu nổi tiếng như Adidas, NiKe, Gucci, P&G, Calvin Klein, Levis… nhưng giá chỉ từ vài chục ngàn đến hơn trăm ngàn đồng mỗi sản phẩm.

Lật chiếc ví da màu đỏ tím gắn dòng chữ Bonia bằng kim loại trông rất đẹp, người bán vồn vã: “Mua đi em, giá sáu mươi lăm ngàn, thích thì chị bớt cho năm ngàn. Khỏi phải trả giá nữa”. Nhìn bên trong mép ví in xuất xứ made in China, chúng tôi không khỏi giật mình về trình độ làm hàng siêu nhái của các nhà sản xuất Trung Quốc. Giá chiếc ví đó chỉ có 60.000 đồng, trong khi chiếc ví Bonia chính hiệu của Ý nhập ngoại lên tới 3,8 triệu đồng/chiếc. Tương tự, đôi giày Nike giá chưa đến 100.000 đồng, nếu là hàng chính hiệu có lẽ giá không dưới 2 triệu đồng.

Đảo qua hàng quần áo, đúng như người bán hàng nói 100% là hàng mới nhưng đa số là hàng cấp thấp giá rẻ từ Trung Quốc. Một chiếc quần jean giá chỉ từ 80.000 - 150.000 đồng, áo khoác thun 50.000 đồng, bộ váy bé gái 60.000 đồng… Nếu không phải hàng lậu, chắc chắn hàng ngoại không thể có giá “bèo” như vậy.

Rời chợ Hòa Liên, chúng tôi ngược lên Hòa Bắc. Dưới đoạn dốc chưa đến trụ sở UBND xã là một xe hàng di động chở toàn quần áo thun đủ màu sắc. Nhiều người dân xúm lại bới đống đồ. Âm thanh phát ra từ chiếc radio gắn trên xe máy của người buôn hàng vang lên nội dung: “Hàng cao cấp Sài Gòn giá rẻ đây, mời bà con nhanh tay lựa xài”. Chúng tôi thắc mắc, hàng cao cấp sao giá chỉ từ 30.000-40.000-50.000 đồng/bộ, anh thanh niên chủ hàng giải thích: “Đó là hàng xuất khẩu còn tồn đọng nên mới có giá đó (!?)”. Cố gắng tìm nhãn mác trên sản phẩm để biết đó là hàng Việt, nhưng chúng tôi chỉ thấy miếng vải nhỏ may chằn vào vùng vai ghi kích cỡ size S, L, M, XL...

Hàng nhái thương hiệu công khai ra thị trường
Hàng nhái thương hiệu công khai ra thị trường

Mảnh đất màu mỡ cho hàng lậu, hàng nhái

Không chỉ đưa hàng giá rẻ, kém chất lượng lên vùng sâu, vùng xa như Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Bắc, “đội quân” hàng lậu, hàng nhái còn đổ hàng về khu vực gần thành phố như KCN Hòa Cầm, Hòa Khánh, Nam Ô để bán. Mỗi buổi chiều, phía cuối đường Âu Cơ (quận Liên Chiểu) đoạn xuống Công ty TNHH Mabuchi xuất hiện khá nhiều người bán dạo bằng xe máy. Trước vỉa hè trưng tấm bảng quảng cáo “Áo sơ mi cao cấp, ngắn tay 50.000 đồng/chiếc, dài tay 70.000 đồng/chiếc”. Không hiểu chất lượng “cao cấp” kiểu gì mà giá chỉ bằng 1/4 giá áo của các nhà sản xuất uy tín trong nước như May 10, Việt Thắng, Khatoco. Thế nhưng rất đông công nhân, người lao động tan ca tranh thủ tấp vào chọn lựa.

Trên các tuyến đường đi Hòa Sơn, cầu vượt Hòa Cầm đi Hòa Khương, cầu Cẩm Lệ - Hòa Phước, các điểm bán kính mắt mọc lên như nấm. Hàng loạt sản phẩm kính mắt mang thương hiệu lớn của thế giới như RayBan, Prada, Tiffany, Burberry, Dolce&Gabbana, Prada Sport, Versace bị làm nhái trắng trợn và tung ra thị trường chỉ với giá 20.000 đồng/chiếc.

Hàng trăm mặt hàng giả, hàng nhái bị QLTT Đà Nẵng tiêu hủy
Hàng trăm mặt hàng giả, hàng nhái bị QLTT Đà Nẵng tiêu hủy

Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục QLTT thành phố cho biết: Chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng 1 - 2013, các đội QLTT đã tịch thu 8.803 kg quần áo bành, 260 cái áo ấm, 111 áo ngực nữ, 145 đĩa ca nhạc, 56 cái ví nữ, túi xách, va li hiệu Gucci; đồng thời tạm giữ 58 túi xách, ví nữ Gucci hàng lậu, hàng nhái… với tổng số tiền thu xử phạt gần 500 triệu đồng.

Lợi dụng thị trường vùng ven rộng lớn, ít bị cơ quan chức năng dòm ngó, giới buôn bán hàng giả, hàng nhái xem đây là mảnh đất màu mỡ để hoạt động. Không ít người dân nông thôn một phần thiếu thông tin, một phần không có điều kiện xuống thành phố mua sắm đã chấp nhận chọn hàng “xôn” giá rẻ để tiêu dùng.

Nhiều mặt hàng giá rẻ chúng tôi có dịp tiếp xúc đã thể hiện ngay chất lượng “tiền nào của nấy”. Cầm mấy chiếc quần áo chất liệu jean của Trung Quốc, dùng hai tay vò khô thì thấy các hạt vải phai ra màu thuốc nhuộm. Theo kinh nghiệm, chỉ giặt qua một lần, thau nước có màu đậm và sau khi phơi quần áo sẽ bạc màu. Trước đây, cơ quan chuyên môn từng khuyến cáo người dân việc dùng thường xuyên các loại vải vóc, quần áo đồ chơi có chứa hóa chất không chỉ gây dị ứng bình thường mà còn có khả năng gây ung thư. Thời điểm này, nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn bắt đầu tăng lên thấy rõ. Tuy nhiên, hiện tại không nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối mặn mà đưa hàng chất lượng cao về vùng quê, bởi vậy hàng lậu, hàng nhái vẫn là một vấn nạn thách thức các ngành chức năng.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.