(ĐNĐT) - Liên minh châu Âu (EU) hiện là một đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam về thương mại và đầu tư. Do đó, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU được thực thi sẽ tạo ra cơ hội lớn cho nền kinh tế nước ta.
Dệt may là ngành giữ vị trí số 1 nhiều năm nay về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. |
Doanh nghiệp hưởng nhiều lợi ích về thuế
Theo ông Lê Triệu Dũng, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), hiện quan hệ thương mại Việt Nam-EU chủ yếu là xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, quan hệ này giữa hai bên chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Thị trường EU với 500 triệu người tiêu dùng vẫn đang mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm, hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu (XK) sang EU.
Ông Dũng cho hay, có một điều khá độc đáo và thú vị, đó là cơ cấu quan hệ thương mại Việt Nam-EU hiện nay mang tính bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh hay đối đầu. Do đó, hiệp định FTA đạt được sẽ mở ra một hướng bền vững và mang lại nhiều lợi ích cho các DN Việt Nam như: miễn thuế cho khoảng 90% số dòng thuế hàng hóa XK của Việt Nam vào EU; các DN tiếp cận với hệ thống máy móc hiện đại; thu hút nguồn vốn đầu tư nhiều hơn…
Bên cạnh đó, FTA với EU cũng hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội mới cho DN Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU; hoạt động thương mại sẽ được đẩy mạnh hơn; mang lại sự an toàn hơn trong quá trình đầu tư của DN; các rào cản thương mại sẽ giảm dần và đặc biệt EU sẽ tạo điều kiện cho DN Việt Nam tăng cường hơn nữa hàng XK sang EU
Đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) cho hay, nguyên liệu của ngành thủy sản mang tính mùa vụ nên có mùa không có nguyên liệu trong nước mà phải nhập về. Việc sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu là để đảm bảo duy trì hoạt động nhà máy và đảm bảo đời sống cho công nhân, người lao động. Nếu EU có ý kiến là nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài về rồi xuất khẩu qua EU sẽ không được công nhận hàng xuất xứ thuần túy thì tại cuộc đàm phán với EU sắp tới, đại diện VN nên giữ nguyên ý kiến về quan điểm nguồn gốc nguyên liệu thủy sản để đảm bảo lợi ích cho ngành. |
Theo ông Cloudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia Tư vấn Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP), các sản phẩm chính như: giày dép, sản phẩm may mặc, thủy hải sản, đồ gỗ… chiếm 70% tổng kim ngạch XK của Việt Nam sang EU.
Mức thuế trung bình mà EU áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu (NK) từ VN là khoảng 4,1% song nhiều sản phẩm NK từ VN vẫn cao hơn mức trung bình (may mặc 11%, thủy hải sản 10,8%, giày 12,4%…) và có sản phẩm ở đỉnh điểm lên tới 57%.
“Do đó, việc bãi bỏ thuế NK trong thương mại trong khuôn khổ của FTA sẽ mang lại những lợi thế về thuế cũng như giảm rủi ro cho VN so với các đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa XK của Việt Nam sang EU tăng cao hơn nữa”, ông Dordi nhấn mạnh.
Cần nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa
Theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công thương), EU là một trong những đối tác đặt yêu cầu rất cao về tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, bảo vệ môi trường… nên việc hiện thực hóa FTA Việt Nam-EU sẽ đặt ra thách thức cơ bản nhất với các DN Việt Nam là vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng hàng hóa.
Ông Lê Văn Đạo, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất: “Bộ Công thương và các cơ quan cần đẩy nhanh tiến trình đàm phán FTA với EU. Chỉ có FTA mới mở rộng thị trường một cách có hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam. Quy tắc xuất xứ là yếu tố quan trọng số 1 đối với hàng may mặc. Do đó, đề nghị các cơ quan khi đàm phán FTA với EU lưu ý, lựa chọn, thỏa thuận quy tắc nào sẽ tác động cụ thể ít hoặc nhiều cho sự gia tăng XK để tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam XK nhiều hơn vào EU"… |
Ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng, cho biết, qua khảo sát có tới 97% DN ủng hộ VN sớm đàm phán kí kết FTA với EU vì nhìn thấy nhiều cơ hội lớn.
“Tuy nhiên, ngay các DN này vẫn còn nhiều lo ngại về những quy định liên quan đến quy tắc xuất xứ; về hàng rào kỹ thuật; tiêu chuẩn, chất lượng, môi trường, lao động; về mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và việc EU có thể tăng cường áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong khi vẫn chưa công nhận VN là nền kinh tế thị trường”, ông Diễn cho hay.
Vấn đề này, chuyên gia tư vấn của MUTRAP cũng cho rằng, cánh cửa thị trường EU sẽ rộng mở hơn cho hàng hóa của DN Việt Nam khi FTA Việt Nam-EU hoạt động, song vấn đề mà các DN cần phải hết sức quan tâm là chất lượng hàng hóa XK.
Theo vị chuyên gia này, muốn thâm nhập vào thị trường EU, các DN Việt Nam cần phải nghiên cứu, nắm bắt về những vấn đề cốt lõi của thị trường này, nhất là về tâm lý tiêu dùng của người châu Âu hiện nay.
Đồng thời, trong thời gian tới, EU không chỉ đòi hỏi các mặt hàng NK nói chung và hàng may mặc nói riêng phải bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng, mà còn đòi hỏi về trách nhiệm xã hội và thái độ bảo vệ môi trường trong sản xuất khá khắt khe. Vì vậy, các DN Việt Nam cần phải chú trọng đầu tư, sản xuất các sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường.
“Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU: Những nội dung doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý” là chủ đề hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp với “Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP)” tổ chức ngày 16-1, tại thành phố Đà Nẵng. Hội thảo giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về tác động của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU đối với những ngành hàng quan trọng, cũng như làm rõ những cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp sẽ gặp khi Việt Nam ký Hiệp định FTA với EU. Phiên đàm phán đầu tiên về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU đã diễn ra từ ngày 8 đến 12-10-2012 và phiên thứ hai sẽ diễn ra tại Brussells vào cuối tháng 1 năm nay. Dự kiến sẽ có khoảng 4 vòng đàm phán trong năm 2013. Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như: miễn thuế với ít nhất 90% số dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU, nguồn vốn từ EU vào Việt Nam cũng được thu hút nhiều hơn. |
Bài và ảnh: Đắc Mạnh