Với ngư dân Đà Nẵng, năm 2012 là năm an toàn nhất, đánh bắt hiệu quả nhất kể từ 10 năm trở lại đây. Đây cũng là năm ngành thủy sản làm được điều nhiều năm trước chưa thể làm được, đó là giảm tàu công suất nhỏ, tăng mạnh đội tàu công suất lớn.
Hải sản chất lượng cao từ các tàu đánh bắt xa bờ. |
Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, cuối năm 2011, toàn thành phố có 1.428 tàu cá các loại, tổng công suất 72.541 CV, đến nay chỉ còn 1.370 chiếc, tổng công suất tăng lên đến 111.470 CV. Sản lượng hải sản cả năm 2012 đạt 35.000 tấn, tăng 1.500 tấn so năm 2011. Đội tàu đánh bắt xa bờ tăng từ 157 chiếc (năm 2011) lên gần 200 chiếc hiện nay, trong đó 9 chiếc có công suất từ 500 đến gần 1.000 CV vừa đóng mới.
Chỉ triển khai đánh bắt 9 tháng của năm 2012 (3 tháng đưa tàu lên đà sửa chữa), tàu ĐNa 90351 TS, công suất 500 CV, hành nghề lưới vây của ông Lê Văn Chiến, ở tổ 4, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê), bám biển 10 chuyến, đưa về 140 tấn hải sản các loại, đạt tổng doanh thu 4,6 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu và là thuyền trưởng có trong tay 1,2 tỷ đồng, thuyền viên 110-120 triệu đồng/người. Theo ông Chiến, hàng chục năm bám biển, năm 2012 vừa qua là năm đánh bắt thuận lợi và hiệu quả nhất. Không chỉ chủ tàu mà ngư dân ai nấy đều phấn khởi.
Khi được hỏi yếu tố nào làm nên sự khởi sắc đó, vị thuyền trưởng gần 50 tuổi này nói ngay: Có 5 yếu tố giúp ngư dân có một năm thắng lợi. Một là, năm 2012 là năm thiên thời. Từ trước đến nay, ít năm nào thời gian trời yên biển lặng nhiều như vậy. Cả năm không có bão lớn. Các năm trước chỉ 7-8 chuyến là nhiều, năm nay có tàu đi tới 11-12 chuyến. Hai là, hải sản trên biển dồi dào hơn mọi năm, hình như có luồng cá liên tục di chuyển từ phía Nam lên, chuyến nào cũng năng suất cao. Ba là, tàu trang bị máy dò ngang, không đánh mò như trước mà biết chính xác nơi nào nhiều cá mới buông lưới. Nhờ vậy, chuyến nào khi trở về cũng đầy ắp cá. Có chuyến kéo lưới lên không còn chỗ chất phải thả xuống biển. Trang bị máy móc trên tàu đầy đủ, thông tin liên lạc thông suốt, tin bão chính xác kịp thời. Khi bão vừa hình thành phía đông Philippines, tàu hoạt động trên biển đã biết, chủ động phòng tránh. Bốn là, hoạt động đánh bắt hiện nay, nhất là ở vùng biển xa có sự quan tâm, động viên rất lớn của Nhà nước, từ vật chất đến tinh thần để ngư dân mạnh dạn, yên tâm hơn khi bám biển. Năm là, giá hải sản ổn định, tiêu thụ thuận lợi, tình trạng ép cấp, ép giá gần như không còn.
Tâm sự nêu trên của ông Lê Văn Chiến cũng là ý kiến chung của ngư dân Đà Nẵng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều tàu sản lượng đánh bắt cao hơn tàu ông Chiến khá nhiều. Đơn cử như cặp tàu ĐNa 90525, ĐNa 90426, công suất 450 CV, của ông Phạm Phương, ở tổ 29, phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) năm 2012 đưa về hơn 300 tấn hải sản. Thuyền trưởng gốc Quảng Ngãi này liên tục đạt kỷ lục về thời gian bám biển và sản lượng đánh bắt của ngư dân thành phố. Những ngày đầu năm 2013, cặp tàu này đang bám biển Hoàng Sa, chúng tôi chỉ gặp ông qua máy ICOM 710. Từ khơi xa, ông cho biết, đang đánh bắt rất thuận lợi. Chuyến này, cả 2 tàu sẽ đưa về trên 30 tấn. Ra Tết ông sẽ đóng thêm 1 chiếc công suất 800 CV.
Có thể nói, chưa khi nào hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Đà Nẵng sôi động như hiện nay. Tàu cá đua nhau bám biển. Danh sách đề nghị đóng mới tàu cá công suất lớn ngày một dài thêm. Chủ trương hỗ trợ đóng mới tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá công suất lớn, cùng các chính sách ưu đãi khác của thành phố là đòn bẩy cho hoạt động đánh bắt hải sản phát triển. Đến nay, gần 3.000 ngư dân đã mua bảo hiểm thuyền viên từ nguồn hỗ trợ của thành phố, hàng trăm ngư dân được đào tạo thuyền, máy trưởng miễn phí. 153 tàu đã lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc tầm xa sóng HF tích hợp định vị VX 1700. Năm 2012, lần đầu tiên sau hơn chục năm, ngư dân Đà Nẵng đóng mới 9 tàu công suất lớn, trong đó 5 tàu đã hạ thủy đi vào hoạt động, các chủ tàu đã nhận 1/2 nguồn hỗ trợ của thành phố theo quy định.
Từ đà thắng lợi của năm 2012, đa số ngư dân quyết tâm phát triển đánh bắt quy mô lớn hơn. Nhiều gia đình sẽ hình thành đội tàu 4-5 chiếc. Vấn đề họ cần nhất hiện nay là an ninh trên biển bớt phức tạp để yên tâm bám ngư trường xa bờ. Bên cạnh đó, nhiều ngư dân cho rằng, thành phố cần có chính sách cho vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển đội tàu từ 90 đến dưới 400 CV phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình hiện nay.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU