.

Làm giàu từ vốn nhỏ

.

Một vườn gấc sai trĩu quả, 500 bịch gừng sắp cho thu hoạch, lứa thỏ đang vào mùa sinh sản, chuồng bồ câu nhốt vừa cho giống vừa lấy thịt... Gia sản đó của ông Nguyễn Viết Lò, thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang khiến nhiều người khâm phục bởi mô hình làm ăn có hiệu quả.

Ông Lò bên vườn gấc rộng 450m2.
Ông Lò bên vườn gấc rộng 450m2.

Dẫn tôi vào khu vườn rộng 750m2, ông Lò khoe gia sản đó là gia đình ông ăn nên làm ra, có của ăn của để và giúp ông có công ăn việc làm khuây khỏa lúc tuổi già.

Trở về sau thời chiến với chân trái bị thương tật và đôi bàn tay trắng, ông Lò cũng chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời“ với con trâu cái cày để nuôi 5 đứa con ăn học. Ông Lò chia sẻ: “Ngày xưa nhà tui làm mấy sào ruộng, vất vả đủ bề nhưng cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Thời buổi kinh tế khó khăn, ngoài nuôi mấy con heo, con gà, tui nghĩ phải có cái gì đó để kiếm đồng ra đồng vào trang trải trong gia đình”.
Ông Lò cho biết, ông đến với nghề nuôi thỏ cũng thật tình cờ. Hai năm trước, trong cuộc thi kiến thức nhà nông do huyện Hòa Vang tổ chức, thấy mô hình nuôi thỏ của một nông dân xã Hòa Liên đem lại thu nhập cao, ông rất ấn tượng và quyết tâm theo học nghề cho bằng được. Sáng nào ông cũng chạy xe lên xã Hòa Liên để tham gia khóa học nuôi thỏ. Không những vậy, ông còn lên mạng Internet tìm hiểu về các giống thỏ và giao lưu với bà con nông dân các vùng, miền khác để học hỏi thêm kinh nghiệm. Chỉ với 5 triệu đồng tiền vốn ban đầu làm chuồng trại và mua con giống, sau vài tháng, lứa thỏ đầu tiên, ông thu về gần 20 triệu đồng. Ông Lò cho biết, thịt thỏ bây giờ bán rất chạy, có giá từ 70 nghìn đến 110 nghìn đồng/kg. Mỗi con thỏ khoảng 2kg là bán được nhưng do nhu cầu cao nên ông chỉ nuôi khoảng 1,5kg là cho xuất chuồng. Hiện nay, chuồng thỏ nhà ông có gần 100 con. Ngoài nuôi thỏ lấy thịt, ông còn nuôi thỏ giống để bán với giá từ 150.000 đến 250.000 đồng/kg và hỗ trợ kỹ thuật cho người mua.

Nói về nuôi bồ câu nhốt, ông Lò cũng có nhiều kỷ niệm. Ông vẫn còn nhớ những ngày đầu thử mô hình nuôi bồ câu nhốt không thành công, ông mất trắng tiền vốn đầu tư. Nhưng không nản chí, ông tiếp tục bỏ vốn để nuôi giống mới. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này ông vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa học vừa áp dụng thực tế để tìm ra nguyên nhân vì sao bồ câu chết. Hiện chuồng bồ câu của ông có khoảng 60 con, bỏ mối cho các nhà hàng khoảng 90.000 đồng/cặp, còn bồ câu giống có giá 350.000 đồng/cặp. Mỗi tháng chỉ riêng bồ câu, ông Lò cũng thu về gần 10 triệu đồng. “Nuôi bồ câu nhốt sinh lợi nhanh và ít rủi ro hơn nuôi bồ câu thả mà lại dễ chăm sóc nữa. Thịt bồ câu bán chạy hơn cả thịt thỏ, nhiều khi cung không đủ cầu. Nếu có vốn, tui sẽ mở rộng mô hình này trong thời gian tới”, ông Lò chia sẻ.

Ngoài thỏ và bồ câu nhốt là nguồn thu nhập chính, trong năm, tùy theo vụ mùa, gia đình ông còn có những nguồn thu nhập khác. Với vườn gấc rộng 450m2, từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, mỗi mùa cho thu nhập từ 20-25 triệu đồng. Đàn bò xuất chuồng 2 đợt vào khoảng tháng 4 và tháng 8 hằng năm cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng. Rồi gà, vịt và các loại hoa màu khác, quanh năm ông Lò luôn bận bịu với chuyện nhà nông. “Chừ ở nhà vẫn còn 7 sào ruộng, tôi cũng cố gắng động viên con cháu làm. Không gì bằng nghề nông của mình, mà có làm thì mới có ăn”, ông Lò tâm sự. Ông Lò còn tham gia khóa học kỹ thuật làm nấm của xã và góp vốn làm chung với các hội viên nông dân khác. “Tui cũng muốn đem về nhà làm và nhân rộng mô hình này nhưng phần vì không có đất sản xuất, phần không có thời gian nên đành làm chung với hợp tác xã”, ông Lò cười.

Bận bịu cả ngày nhưng ông Lò vẫn dành thời gian đến Hội Nông dân xã để trao đổi và học hỏi thêm kinh nghiệm. Lão nông dân này không lúc nào ngừng nghỉ chân tay, cố gắng làm kinh tế để vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Bài và ảnh: MAI KHÔI

;
.
.
.
.
.