Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn, năm 2012 sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng đã đạt con số 4,5 triệu tấn hàng, cao nhất từ trước đến nay. Phóng viên Báo Đà Nẵng trao đổi với ông NGUYỄN THU, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng về kết quả rất đáng khích lệ này.
Bốc xếp hàng qua Cảng Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN |
* Được biết kế hoạch xây dựng từ đầu năm 2012 là lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng 4,1 triệu tấn, nhưng sau đó lại điều chỉnh lên 4,3 triệu tấn và kết quả đạt được là 4,5 triệu tấn, xin ông giải thích về những con số ấn tượng này.
- Đúng vậy, kế hoạch được chúng tôi xây dựng từ đầu năm 2012 là 4,1 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng. Đây là con số được tính toán cẩn thận, đánh giá đầy đủ các yếu tố khó khăn, thuận lợi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đã tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, vì vậy chúng tôi đã quyết định điều chỉnh kế hoạch từ 4,1 triệu tấn lên thành 4,3 triệu tấn và kết quả cuối cùng chúng tôi đã đạt đến 4,5 triệu tấn hàng hóa. Thực ra đây là kết quả của cả một chặng đường dài gần 10 năm, nhất là 5 năm gần đây. Điểm nhấn quan trọng ở đây là chúng tôi quyết định chuyển hướng hoạt động từ một cảng chỉ bốc dỡ hàng rời chuyển qua tập trung lĩnh vực hàng container và cảng du lịch. Để có cảng container và du lịch đúng nghĩa đủ sức tiếp nhận tàu container và tàu du lịch lớn, trong thời gian qua chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng rất mạnh. Chỉ tính riêng trong năm 2012, Cảng Đà Nẵng đã đầu tư đến 64 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị bốc dỡ hiện đại, như cẩu Gantry, Atiri... Nhờ vậy thời gian giải phóng hàng hóa đã rút xuống chỉ còn 3-4 phút/container, đây là con số rất có ý nghĩa. Thời gian giải phóng tàu nhanh đồng nghĩa với việc giảm chi phí rất nhiều.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư về nguồn nhân lực và áp dụng nhiều chính sách linh hoạt để thu hút khách hàng. Trong năm qua, chúng tôi đã đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng phần mềm quản lý, nhờ vậy thủ tục với khách hàng không những rất đơn giản, nhanh gọn mà còn chính xác, đặc biệt là không “làm phiền” khách hàng. Nhờ triển khai hàng loạt các biện pháp này đã tạo cho Cảng Đà Nẵng trở thành điểm lý tưởng cho khách hàng. Hiện nay, mỗi tuần có từ 10-12 chuyến tàu container thay vì 2 đến 3 chuyến như trước đây đã tạo điều kiện cho các nhà xuất nhập khẩu rút ngắn thời gian lẫn chi phí vận chuyển. Một ví dụ là trước đây vận chuyển một container loại 40 feet đi Đài Loan phải mất khoảng 600 USD, thì hiện nay chỉ còn 250 - 300 USD. Đặc biệt, về chính sách tiếp thị, chúng tôi đã chủ động tìm đến khách hàng chứ không chờ họ đến với mình; đi kèm theo đó là chính sách ưu đãi giảm giá cho các nhà xuất nhập khẩu với khối lượng lớn. Với những nỗ lực này, trong năm 2012, ngoài thị trường cũ là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi..., chúng tôi đã mở rộng ra các tỉnh Bắc miền Trung như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Tây Nguyên.
* Mặc dù Cảng đã rất nỗ lực để thu hút khách hàng, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì năm 2013 kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, liệu con số 4,8 triệu tấn hàng hóa Cảng Đà Nẵng đưa ra cho kế hoạch năm nay có quá sức không, thưa ông?
- Đúng là năm 2013 tình hình chung vẫn còn khó khăn và đương nhiên với những đơn vị dịch vụ như chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng tôi có cơ sở vững chắc để đưa ra con số này. Đó là chúng tôi đã làm việc với tất cả khách hàng của mình về lượng hàng hóa dự kiến xuất nhập trong năm. Theo số liệu tính toán, trong năm 2013 chúng tôi nắm chắc trong kế hoạch là 4,7 triệu tấn; chưa kể một thị trường rất tiềm năng là tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây. Vì vậy, con số 4,8 triệu tấn hàng hóa trong năm 2013 là hoàn toàn nằm trong tầm tay. Thậm chí, nếu việc các mỏ khai thác khoáng sản như: đồng, sắt, kẽm và boxit... trên đất Lào kịp đi vào hoạt động và họ xuất khẩu qua Cảng Đà Nẵng như hai bên đã ký văn bản ghi nhớ, thì con số 5 triệu tấn hàng hóa cũng không phải là quá xa vời.
Để biến con số này thành hiện thực, chúng tôi xác định tiếp tục đẩy mạnh hoạt động theo phương châm “năng suất-chất lượng-hiệu quả”. Về hạ tầng, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm 100 tỷ đồng để mua sắm phương tiện bốc dỡ, 150 tỷ đồng khác xây dựng và cải tạo hệ thống bến cảng, nhà kho; đồng thời dành ra 1 tỷ đồng cho công tác đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, để đội ngũ này hoàn toàn làm chủ công nghệ quản lý theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp hơn... Trước mắt, chúng tôi sẽ đưa vào hoạt động 200 mét cầu cảng thuộc Cảng Sơn Trà để giảm tải cho Cảng Tiên Sa; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng và đưa kho logistic trên tuyến đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan vào hoạt động. Với những nỗ lực này chúng tôi hoàn toàn tin tưởng mình đạt được kế hoạch đề ra.
* Thế còn những khó khăn gì mà tự thân Cảng Đà Nẵng không thể giải quyết được?
- Thực ra đây là những khó khăn chung của các cảng thuộc khu vực miền Trung, đó là vấn đề hàng hóa thuộc khu vực Đông Bắc Thái Lan khó vận chuyển về Cảng Tiên Sa và các cảng trong khu vực vì vấn đề tay lái nghịch; hoặc như vấn đề hậu phương vùng cảng biển các tỉnh miền Trung quá nhỏ bé, trong khi hầu như tỉnh nào cũng đầu tư cảng biển; từ đó dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Đây là vấn đề cần có sự can thiệp từ cấp cao hơn thì mới giải quyết rốt ráo được.
T.S thực hiện